Đồng Tháp mời doanh nghiệp Nhật đầu tư chuỗi nông sản công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 29/11, tại TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản. Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong mời doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư chuỗi giá trị ngành nông sản có hàm lượng công nghệ cao, trong các nhóm ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp như: lúa gạo, xoài, cá tra, sen, hoa kiểng.
Đồng Tháp mời doanh nghiệp Nhật đầu tư chuỗi nông sản công nghệ cao ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị

Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, ngoài gạo và thuỷ sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Nhật Bản như: Xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, một số cây có múi.

Đồng thời, Đồng Tháp còn có làng hoa Sa Đéc - một trong những vùng trồng hoa lâu đời, lớn nhất nước, cung cấp trên 12 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm. Các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm cũng gắn liền với những địa điểm tham quan, du lịch trải nghiệm thú vị mang đậm nét văn hóa đặc trưng và giàu truyền thống lịch sử.

Đồng Tháp mời doanh nghiệp Nhật đầu tư chuỗi nông sản công nghệ cao ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các doanh nghiệp Đồng Tháp và Nhật Bản

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, đầu tư phát triển nguồn giống cây trồng chất lượng, đa dạng; đồng thời, đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy chuỗi giá trị ngành nông sản, đặc biệt là các chuỗi giá trị có hàm lượng công nghệ cao, trong các nhóm ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp: lúa gạo, xoài, cá tra, sen, hoa kiểng.

Theo ông Lê Quốc Phong, Đồng Tháp xác định đồng hành cùng doanh nghiệp là trách nhiệm và cam kết cao nhất của lãnh đạo và chính quyền các cấp. “Chúng tôi đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án với nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án”, ông Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp còn khoảng 2 giờ. Hệ thống giao thông thuỷ, với 2 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra biển Đông và Campuchia. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng,… đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.

Đồng Tháp đang đặt ra nhiều mục tiêu, khát vọng phát triển cho chặng đường sắp tới là tăng trưởng duy trì ở mức 7 – 7,5%/ năm. “Chúng tôi đặt yêu cầu cao, đột phá trong chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp. Ngoài sức mạnh tự thân, chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, mà hội nghị hôm nay là một trong những nỗ lực để thúc đẩy hiện thực hoá những khát vọng, mục tiêu đó của Đồng Tháp”, ông Phong nói.

Đồng Tháp mời doanh nghiệp Nhật đầu tư chuỗi nông sản công nghệ cao ảnh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) trao đổi với doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Ono Masuo cho biết, năm nay là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam. Mục tiêu chính của hai nước là lấy năm kỷ niệm 50 năm này làm nền tảng cho những bước tiến lớn trong mối quan hệ song phương hướng tới tương lai, khu vực và thế giới.

Theo ông Ono Masuo, trong thời gian tới, khi hệ thống hạ tầng đường bộ, đường thủy hoàn thiện sẽ kéo theo cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp trong nhiều lĩnh vực như chế biến nông sản, du lịch, logistics... Ông Ono Masuo kỳ vọng, thông qua hội nghị này, tiềm năng và cơ hội của tỉnh Đồng Tháp sẽ được doanh nghiệp Nhật Bản biết đến rộng rãi, từ đó góp phần tăng cường mối quan hệ kinh tế và giao lưu giữa 2 bên Nhật Bản và Đồng Tháp.

Tại hội nghị, Ban tổ chức còn triển lãm các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp; đồng thời, thông tin về các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp, lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư; các kết quả đạt được trong quan hệ giữa Nhật Bản và Đồng Tháp về văn hoá, du lịch, nông nghiệp, công tác đưa người lao động làm việc tại Nhật Bản. Ngoài ra, còn diễn ra hoạt động giao lưu - kết nối (networking) đầu tư và thương mại giữa các doanh nghiệp Đồng Tháp với các doanh nghiệp Nhật Bản; giới thiệu về văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc trưng của tỉnh và giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của Đồng Tháp đã và đang có nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản.

Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương của 2 nước Việt Nam – Nhật Bản đạt gần 50 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục là đối tác đầu tư và viện trợ ODA hàng đầu tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Mất hàng ngàn tỷ đồng vì lừa đảo trên không gian mạng
Mất hàng ngàn tỷ đồng vì lừa đảo trên không gian mạng
TPO - Năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Hoạt động lừa đảo xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05).