> Siết quản lý, tăng hình phạt để giảm tắc giao thông
> Từ 1-12, tổng kiểm soát xe khách
> Giảm tai nạn giao thông 5-10% mỗi năm
Đóng phí 20 triệu đồng/năm hy vọng giảm tải lượng ô tô lưu thông ở nội đô. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGT QG) Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012 diễn ra sáng 28-11.
Quyết giành lại lòng đường, vỉa hè
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIII đã đưa vào nghị quyết, mỗi năm nước ta phải giảm được từ 5-10% số người chết vì TNGT. Để thực hiện được chủ trương này trong năm 2012 cũng như các năm tiếp theo, năm 2012 được Chính phủ chọn là năm An toàn giao thông.
“Nhiệm vụ của Chính phủ, UBATGT QG các bộ ngành và chính quyền các địa phương trong năm tới là phải thiết lập được trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TPHCM”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Có 6 nhiệm vụ đột phá được Chính phủ đưa ra trong năm 2012, trong đó có các giải pháp căn bản như tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức lại giao thông, đẩy mạnh phân làn ở đô thị và trên các tuyến QL, tỉnh lộ; siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe; nghiên cứu thu phí phương tiện cá nhân, trước hết là ô tô.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, phải kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Theo Phó Thủ tướng, không có một nước nào như nước ta, cả vỉa hè, lòng đường đều bị chiếm dụng để kinh doanh.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không nước nào sử dụng vỉa hè như nước ta. Ảnh: Trọng Đảng. |
Ô tô đóng phí lưu hành 20 triệu đồng/năm để hạn chế xe cá nhân
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong các giải pháp trên cần phải thực hiện ngay việc giải phóng vỉa hè, lòng đường tại các đô thị lớn để tạo sự thông thoáng cho người dân đi lại, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. “Hôm nay có các đồng chí lãnh đạo cao nhất ở cả hai thành phố, đề nghị các đồng chí xử lý nghiêm việc này và phải giải phóng lòng đường, vỉa hè, không thể để tình trạng chiếm dụng bừa bãi như vậy được”, ông Thăng đề nghị.
Tiếp đó ông Thăng cũng cho rằng, việc đổi giờ và thu phí lưu thông để hạn chế xe cá nhân cũng phải được thực hiện đồng bộ. Riêng với Hà Nội và TPHCM cần có phương án thu phí cụ thể với phương tiện vào trung tâm thành phố. Để việc thu này mang lại hiệu quả thì Bộ Tài chính cần chấp thuận phương án thu ô tô trước với mức phí 20 triệu đồng/năm.
Tịch thu phương tiện là hết đua xe
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, ngoài ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn còn cao, nhất là với Hà Nội và TPHCM, để đạt được chỉ tiêu đặt ra, cần phải siết chặt công tác cấp phép, sát hạch lái xe và hoạt động của các trung tâm đăng kiểm; với những trường hợp gây tai nạn giao thông cần phải truy tố cả lái và chủ xe, nếu gây tai nạn nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự, cùng với đó phải dừng hoạt động các trung tâm sát hạch có nhiều lái xe gây tai nạn.
“Riêng với các trường hợp đua xe, nếu Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện vi phạm, tôi tin Hà Nội sẽ không còn đua xe”, ông Nhanh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM thì cần phải có sự đồng bộ, thống nhất trong các biện pháp. Ví như phương án đổi giờ, với thành phố nó chỉ mang tính trước mắt, về lâu dài phải giải được bài toán dân số. “Có đưa các trường học, bệnh viện ra ngoại thành thì tình trạng ùn tắc mới được cải thiện”, ông Tín phân tích.
Ghi nhận các ý kiến trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để giảm được ùn tắc và TNGT như mục tiêu đặt ra Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ ngành có liên quan rà soát để điều chỉnh các quy định cho hợp lý. Riêng với Hà Nội phải dừng ngay việc cấp phép taxi, lập lại trật tự vỉa hè; với TPHCM phải sớm trình đề xuất đổi giờ để từ 1-1-2012 thực hiện đồng loạt cùng với Hà Nội.
Cùng với đó, hai thành phố phải huy động mọi tầng lớp đặc biệt là Đoàn thanh niên cùng tham gia chống ùn tắc. Với các địa phương cần phải đưa ra lộ trình, biện pháp để mỗi tỉnh thành trong các năm tới phải giảm được 10% số người chết vì TNGT. Nếu địa phương nào không thực hiện được mục tiêu này, số người chết vẫn tăng thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.