Đông Nam bộ chìm trong 'mù khô'

“Mù khô” dày đặc trên sông Sài Gòn vào sáng sớm 7/10. Ảnh: Hữu Huy.
“Mù khô” dày đặc trên sông Sài Gòn vào sáng sớm 7/10. Ảnh: Hữu Huy.
TP - Mấy ngày qua, TPHCM bị bao phủ bởi lớp “mù khô” do ô nhiễm không khí, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.  Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng này còn kéo dài mấy ngày tới.

Tức ngực, khó thở          

Theo ghi nhận của phóng viên, liên tiếp 3 ngày qua (từ 5 đến 7/10), tại TPHCM, hiện tượng “mù khô” xuất hiện nhiều và bao phủ khắp nơi. Lớp mù lơ lửng phủ mờ các tòa nhà cao tầng, các tuyến đường, kể cả đường bộ lẫn đường thủy khiến tầm nhìn bị hạn chế, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Ngày 7/10, mặc dù đã hơn 9h nhưng các tuyến đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Võ Văn Kiệt (quận 6, quận 5 và quận 1), đường Xa lộ Hà Nội (quận 2 và Thủ Đức), Mai Chí Thọ (quận 2), Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh)... vẫn bị bao phủ bởi lớp sương mờ ảo, người đi đường phải bật đèn, bấm còi inh ỏi để hạn chế va chạm.

“Với hàm lượng bụi đậm đặc trong không khí thì những khẩu trang bình thường không đảm bảo lọc được không khí ô nhiễm. Khi ra đường, mọi người nên mang khẩu trang than hoạt tính để đảm bảo sức khỏe”.

Bà Lê Thị Xuân Lan - giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM

Đặc biệt trên mặt sông Sài Gòn và kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, lớp mù khô dày đặc bao phủ, nhiều đoạn đứng bên này nhìn sang bên kia cũng chỉ thấy lờ mờ. Bà Nguyễn Thị Linh (50 tuổi, ngụ quận 3) cho biết, 3 ngày qua bầu trời buổi sáng vẫn còn tối mịt, cứ tưởng do sương sớm đến khi mặt trời lên sẽ hết nhưng đến trưa vẫn thấy mù bao phủ. Lớp mù khô xuất hiện dày đặc từ khu vực quận 1, 2, 4, quận Thủ Đức, quận 9 khiến tầm nhìn xa không quá 2km.

Chị Lâm Thị Liên (30 tuổi, ngụ quận 9) đi đường hằng ngày ít khi mang khẩu trang nhưng ba ngày qua, mỗi khi chạy xe máy ngoài đường là mắt chị có cảm giác cay cay, da tay và mặt có cảm giác nhớt nhớt và dính như có keo. Chị phải sắm kính mắt và khẩu trang. Chị Liên nói: “Chạy xe máy buổi sáng mà mắt cay như đứng trong khói lửa, khi ngồi làm việc thì tay, mặt có cảm giác khó chịu, đặt xuống bàn da tay dính như có keo. Nhiều lúc có cảm giác tức ngực, khó thở”.

Không chỉ ở TPHCM mà các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương cũng bị hiện tượng này bao phủ mấy ngày qua. Anh Lê Văn Sơn (ngụ Bình Dương) cho biết, anh làm việc tại TPHCM nên sáng nào cũng chạy từ Thuận An, Bình Dương đến quận 3, TPHCM. Hai ngày qua buổi sáng chạy xe tầm nhìn bị hạn chế và cảm giác tức ngực khó thở mỗi khi ra đường vào sáng sớm.

“Mù khô” do cháy rừng ở Indonesia?

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng “mù khô” không chỉ xuất hiện ở TPHCM mà còn xuất hiện diện rộng ở các tỉnh thành Nam bộ như Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau… và trên các vùng biển ở Kiên Giang, các đảo Thổ Chu, Phú Quốc. Nguyên nhân chính là do cháy rừng ở Indonesia khiến khói bụi bị gió thổi qua.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhận định nguyên nhân của hiện tượng “mù khô” này có thể do ô nhiễm từ vụ cháy rừng ở Indonesia khuếch tán qua. Trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng có đề cập hiện tượng mù khô xảy ra ở các nước này. “Những ngày qua địa điểm được ghi nhận “mù khô” dày đặc nhất là ở Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) vào ngày 4/10, tầm nhìn trên biển khoảng 1.000m bị hạn chế. Sau đó khói bụi tiếp tục lan sang nhiều nơi khác như Cần Thơ, Kiên Giang, TPHCM…”, ông Dũng cho biết.

Bà Lê Thị Xuân Lan (giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) cho biết, “mù khô” là do hơi nước nhiễm bụi, chất dơ ô nhiễm từ tích tụ. Khi bị ánh sáng mặt trời chiếu vào, các hạt nước bị khúc xạ đồng thời do các hạt sương có khoảng cách quá gần nên ánh sáng tán xạ biến thành ánh sáng tổng hợp làm bầu trời trở nên có màu trắng sữa. Hiện tượng này xuất hiện dày đặc ở độ cao từ 0-100m và càng về trưa càng giảm.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, bà Lan giải thích, một mặt là do không khí bị ô nhiễm bởi các khói bụi từ các công trình xây dựng lớn, phương tiện giao thông ở các thành phố lớn thời gian gần đây. Mặt khác, do ảnh hưởng của cháy rừng trên diện rộng ở Indonesia. Tro và khói bụi bị gió mùa Tây Nam thổi vào khu vực Nam bộ và còn lan rộng ra khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Bà Lan cho biết, hiện tượng “mù khô” này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân vì không khí bị ô nhiễm.

Chưa xác định được nguyên nhân do trạm quan trắc hỏng

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện nay hệ thống quan trắc của TPHCM không hoạt động nên việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi đang tham khảo thêm số liệu từ các trạm quan trắc của Cần Thơ, Đồng Nai và trạm của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia để có thêm dữ liệu. Chỉ khi phân tích dữ liệu mới xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng mù mấy ngày qua. Dự kiến trong một hai ngày tới sẽ có thông tin chính thức”. Ông Tùng cũng cho biết thêm, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM có 9 trạm quan trắc môi trường không khí nhưng đều gặp trục trặc nên mấy năm nay số liệu quan trắc không khí ở TPHCM rất hạn chế.     

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG