Trước đó, suốt cả ngày 6/10 và đỉnh điểm là giữa trưa cùng ngày, trong tiết trời nắng chói chang, nhiều khu vực ở các quận cửa ngõ phía đông thành phố như quận 2, 9, Thủ Đức và các quận trung tâm thành phố là quận 1, 2, 4, Bình Thạnh… xuất hiện màn mù khô dày đặc (nhìn mờ ảo giống như sương mù nhưng không ẩm ướt mà khô, giống như màn khói bụi). Các toà nhà, công trình cao tầng mờ ảo trong lớp mù khô trắng đục.
Trên đại lộ Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội… người tham gia giao thông phải giảm tốc độ vì màn mù khô bao trùm gây hạn chế tầm nhìn. Càng về chiều tối cùng ngày, khi mặt trời lặn, màn mù càng dày đặc mà không có dấu hiệu tan như những lần xuất hiện sương mù gần đây ở Sài Gòn.
Theo một chuyên gia thời tiết ở TPHCM: “Hiện tượng màn mù xuất hiện những ngày qua mà nhiều nhất là trong ngày 6/10 không chỉ ở TPHCM mà còn có tại một số tỉnh phía Nam”.
Bước đầu các chuyên gia thời tiết nhận định có khả năng hiện tượng này do ảnh hưởng một phần từ khói bụi từ nạn cháy rừng ở Indonesia, lan truyền sang các nước Đông Nam Á, cụ thể là tại các tỉnh thành phía Nam ở nước ta.
Các chuyên gia thời tiết cho biết, những ngày tới hiện tượng màn mù khô vẫn sẽ còn xảy ra. Tuy nhiên mức độ dày đặc có thể sẽ giảm khi gió tây nam suy yếu.
Một số hình ảnh màn mù khô dày đặc bao phủ suốt ngày ở TPHCM:
Hình ảnh màn mù khô bao trùm trên sông Sài Gòn giữa trưa 6/10, trong tiết trời nắng chói chang.
Toà nhà cao nhất TPHCM chìm trong màn mù lúc 13h40 trưa qua 6/10.
Nhiều khu vực ở cửa ngõ phía Đông TPHCM mờ ảo vì màn mù phủ kín
Cầu Phú Mỹ, cây cầu biểu tượng ở Sài Gòn "biến mất" sau lớp màn mù khô.