Đường sắt - đối diện với làn sóng bỏ việc:

Đồng lương bèo bọt giữa lằn ranh sống - chết

Một ca gác của anh Thư. Ảnh: Quỳnh Nga.
Một ca gác của anh Thư. Ảnh: Quỳnh Nga.
TP - Không quản ngày đêm, nắng mưa, bão gió, những công nhân gác chắn đường sắt vẫn lầm lũi “canh” cho từng đoàn tàu chạy qua. Mỗi ngày, họ phải đối mặt với hiểm nguy chực chờ, có thể bị dọa nạt, đánh đập, thậm chí tù tội trong khi đồng lương nhận về bèo bọt…

Chiều 12/9, cơn mưa rào ập đến, sau tiếng chuông điện thoại bàn reo, anh Phạm Hồng Thư thoăn thoắt bấm vào cái nút trên chiếc máy điều khiển cũ rích. Rồi anh tất tưởi cầm cờ, đèn hiệu, đội mũ cối ra nút giao giữa đường sắt và đường bộ cạnh hồ Linh Đàm (Hà Nội) để hạ gác chắn. Một tay vươn lên kéo chiếc barie, tay còn lại, anh cầm cờ hiệu vẫy, miệng thổi còi ngăn dòng xe đang ào qua như cơn lũ. Tàu qua, anh nới tay khỏi sợi dây thừng cho chiếc barie thiết kế bằng ống sắt dài dựng lên, dòng xe cộ ùa qua. Người và xe qua đường vừa hết, lại có chuông điện thoại báo đoàn tàu khác về ga. Trong 8 phút, anh Thư phải hạ chắn, phân luồng dòng xe cộ ùn ứ và đón 2 chuyến tàu.

“Giữ được mạng sống là may”

Bước vào căn phòng làm việc chừng 10m2, anh Thư uống vội cốc nước, vuốt những giọt nước mưa xen lẫn mồ hôi. Anh buột miệng: “Nghề này giữ được tính mạng là may”.

“Vào ca đêm, thanh niên say rượu, ngáo đá, khi hạ chắn xuống để đón tàu, họ nói: không gỡ gác, tao chém chết. Nếu để họ đi thì mình vi phạm kỷ luật, xảy ra việc gì thì bị truy cứu trách nhiệm, bị tù như chơi. Không cho qua, họ đánh mình chết trước. Ca trực có 2 người gác 2 bên, bị đánh xong, tàu qua hết, đồng nghiệp cùng ca trực mới biết. Kể cả có biết cũng không chạy sang cứu được”, anh Thư tâm sự. Với 25 năm gắn bó với từng điểm gác chắn, nhiều lần, anh Thư và đồng nghiệp phải bỏ chắn mà chạy để giữ tính mạng, Những lần không chạy kịp, bị đánh trối chết thường xuyên xảy ra. Chuyện bị chửi bới không lạ.

Ngoài đối mặt với nguy hiểm từ sự manh động của người đi đường, nhân viên gác chắn luôn đối diện với nguy cơ tù tội. Cách đây vài năm, đồng nghiệp của anh Thư sắp về hưu mà không thoát được nạn. Trong đêm trực tăng ca, thay cho bạn ốm, người công nhân gác chắn thiếp đi vì quá mệt, có người vượt qua đường chắn bị tàu đâm. Người gác chắn bị kết án. “Bọn tôi đùa nhau, nghề này, cửa tù lúc nào cũng mở ra chào đón”, anh Thư ngậm ngùi.

Cách đây nửa tháng, đồng nghiệp cùng tổ làm với anh Thư bị đánh khi đang làm nhiệm vụ, chạy vào cầu cứu lãnh đạo tổ. Kẻ côn đồ hung hãn cầm tuýp sắt đánh cả người gác chắn lẫn lãnh đạo, đến mức phải nhập viện. Chỉ còn vài năm nữa về hưu, nhưng anh Thư tâm sự, nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề.

Vợ anh Thư cũng làm công nhân gác chắn. Lương 2 vợ chồng hơn 7 triệu đồng/tháng, trong khi đó phải nuôi 2 con ăn học. “Lương của anh Thư chưa đủ nộp học phí cho con. Số tiền còn lại cả gia đình chi tiêu tằn tiện”, chị Nguyễn Thị Lan, vợ anh Thư tâm sự.

Thấy tàu “nuốt” người mà không cứu nổi

Tổ gác chắn của anh Thư có 6 người, 5 người phải thuê nhà trọ. Với số lương 3 triệu đồng, chị Lê Thị Huyền, công nhân gác chắn phải bỏ ra 500 nghìn đồng thuê trọ, gửi về phụ giúp bố mẹ 1 triệu đồng/tháng, số còn lại tằn tiện ăn uống. “Với lương không đủ sống nên em chưa dám tính đến chuyện lập gia đình vì sợ không lo được cho con”, chị Huyền tâm sự.

Áp lực công việc lớn, lương thấp là một trong những lý do những công nhân gác chắn bỏ nghề. Khi xảy ra sự cố ở gác chắn, công nhân gác chắn phải đi “bắt tàu”. Họ cầm đèn hiệu, pháo tín hiệu chạy đến vị trí cách chắn 800m để ra hiệu đoàn tàu kịp dừng lại. Nhiều công nhân gác chắn thấy cảnh tàu “nuốt” người trên đường ray, áp lực mà bỏ nghề.

“Tôi chứng kiến tàu nuốt 3 người trên đường ray. Thấy họ trước mũi tàu nhưng la hét, báo đủ các tín hiệu mà không được, bỏ gác chắn để cứu người thì dòng người có nguy cơ tràn vào đường ray khi tàu đến. Thấy người bị nạn cuốn vào gầm tàu, tôi khuỵu chân, lạnh người”, chị Nguyễn Bình An, một công nhân gác chắn trên tuyến đường sắt từ Ga Hà Nội đến Ga Giáp Bát tâm sự.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.