Tư tưởng bao cấp đè nén ngành đường sắt

Ngành đường sắt vẫn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Ảnh: Như Ý.
Ngành đường sắt vẫn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Ảnh: Như Ý.
TP - Sáng 14/8, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng thẳng thắn cho rằng, ngành đường sắt còn tư tưởng đường độc đạo, không ai cạnh tranh nên tư duy bao cấp vẫn “đè nén” nhiều hơn là tính thị trường.

Lạc hậu do độc quyền

Theo ông Mai Tiến Dũng, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu VNR phải đổi mới, quyết liệt để thay đổi. “Trong thời điểm hiện nay, hành khách có thể lựa chọn đi bằng nhiều phương tiện khác hấp dẫn nên thị phần của ngành đường sắt đang giảm đáng kể”, Chủ nhiệm VPCP nói và chỉ rõ, hạ tầng đường sắt hiện nay đã quá lạc hậu ít được quan tâm nâng cấp. “Thủ tướng yêu cầu ngành đường sắt tính toán để nâng sức cạnh tranh. Thực tế có vẻ tư tưởng bao cấp vẫn còn “đè nén” VNR trong thời kinh tế thị trường. Thủ tướng nhắc các anh suy nghĩ thêm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.

Một vấn đề nữa cũng được Thủ tướng lưu ý VNR là kêu gọi đầu tư tham gia khai thác đường sắt. “Chủ trương xã hội hoá hạ tầng, sử dụng các dịch vụ khác của đường sắt thế nào để kêu gọi đầu tư? Chứ hiện nay công nghệ điều hành của VNR rất thủ công, quá nhiều lạc hậu. Cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào đường sắt, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Dũng nói.

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cũng bày tỏ sự trăn trở trước tình trạng đường bộ, hàng không phát triển mạnh mẽ nhưng đường sắt vẫn lạc hậu, bị thu hẹp. “Các ngành khác phát triển là do có cạnh tranh, còn ngành đường sắt vẫn độc quyền, không có cạnh tranh. Nếu có cạnh tranh thì cũng chỉ trong nội bộ, không có tính thị trường nên dù có nỗ lực bao nhiêu cũng không phát triển được”, ông Hà nói.

Ông Hà đề nghị cần phải có giải pháp để giải quyết bài toán về hành lang an toàn giao thông đường sắt. “Chẳng có nước nào như nước mình, nhà dân cứ san sát đường sắt, rất kinh khủng. Cần phải có giải pháp về vấn đề này”, ông Hà nói.

Tư tưởng bao cấp đè nén ngành đường sắt ảnh 1 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị ngành đường sắt đề xuất cơ chế để thu hút đầu tư, tránh độc quyền. Ảnh: Như Ý.

Tạo ra tiền chứ không ngồi đợi tiền

Giải trình những vấn đề trên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thừa nhận, đường sắt chậm phát triển là do rất lạc hậu cả về hạ tầng, thiết bị lẫn phục vụ. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của đường sắt còn thấp dẫn đến không thu hút được hành khách. Còn Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng cũng than cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt rất khó khăn. “Những năm vừa rồi, ngành đã “mở cửa hết cỡ”, kêu gọi các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư để đường sắt phát triển nhưng với cơ chế hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cho các nhà đầu tư”, ông Tùng nói.

Chia sẻ với những khó khăn của ngành đường sắt, nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, ngành đường sắt nên đặt vấn đề là cơ chế nào để tạo ra tiền, chứ không phải hỏi tiền đâu để làm, có thế mới phát triển bền vững, có tính thị trường. Theo ông Tuấn, mô hình mà ngành đường sắt đang thực hiện liên kết với Tân cảng TPHCM là hướng rất mới, sẽ tạo cơ hội để phát triển.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu, mặc dù hàng không và đường bộ phát triển rất mạnh nhưng đường sắt vẫn còn dư địa và lợi thế rất lớn. “Với công nghệ đường sắt như hiện nay tôi nghĩ triển vọng của ngành đường sắt Việt Nam không phải lo ngại gì cả, quan trọng là chúng ta tái cấu trúc, đổi mới ngành đường sắt Việt Nam để phát huy các lợi thế, thu hút đầu tư. Đúng như Thứ trưởng Tuấn nói, bài toán của ngành đường sắt bây giờ là đề xuất cơ chế để tạo ra tiền, chứ không phải ngồi đó hỏi tiền đâu để làm?”, ông Lộc nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, ngành đường sắt đề xuất cơ chế, mạnh dạn tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư, tránh độc quyền. “Chúng ta phải đặt ra cơ chế để thu hút đầu tư. Nếu như không thu hút đầu tư mà độc quyền theo hướng của những năm trước đây như thời bao cấp thì không ổn. Nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế. Không có sự cạnh tranh trong phạm vi nội bộ, không có sự cạnh tranh trong doanh nghiệp thì không thể phát triển được”, Tổ trưởng Tổ Công tác nhấn mạnh.

“Chúng ta phải đặt ra cơ chế để thu hút đầu tư. Nếu như không thu hút đầu tư mà độc quyền theo hướng của những năm trước đây như thời bao cấp thì không ổn. Nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế. Không có sự cạnh tranh trong phạm vi nội bộ, không có sự cạnh tranh trong doanh nghiệp thì không thể phát triển được”. 

 Bộ trưởng, CNVPCP Mai Tiến Dũng

MỚI - NÓNG