Trận động đất trưa 25/4 là trận động đất mạnh nhất tại Nepal kể từ năm 1934. Tính cho tới ngày 26/4, trận động đất này đã làm gần 2.000 người thiệt mạng, hơn 4.700 người cũng bị thương.
“Những gì đã xảy ra chính xác như chúng tôi nghĩ, cả về mặt vật lý cũng như địa chất. Đây đúng là cơn ác mộng chỉ chờ để xảy ra” – nhà nghiên cứu địa chấn James Jackson, trưởng khoa Khoa học Trái đất tại Đại học Cambridge, Anh nhận định về thảm họa ở Nepal.
Cách đây một tuần, khoảng 50 chuyên gia và nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã tới Kathmandu, Nepal, để tìm hiểu làm thế nào mà khu vực này sẽ chống chọi với trận động đất sắp xảy ra.
Theo AP, các nhà khoa học dự đoán rằng, trận động đất này là thảm kịch lặp lại của trận từng xảy ra năm 1934 từng tàn phá thành phố trên.
Các nhà khoa học biết, họ phải chạy đua với thời gian, nhưng không thể biết rõ chính xác khi nào những gì họ lo ngại sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không hề nghĩ rằng, trận động đất lại xảy ra sớm như vậy. Thảm họa có cường độ 7.9 độ richter đã khiến hơn 1.900 người thiệt mạng và con số thương vong lên tới 6.000 cùng với hư hại về vật chất trên diện rộng.
Từ lâu, nhiều người đã lo ngại về một trận động đất như đã xảy ra tại Kathmandu vào hôm 25.4, không chỉ bởi các đứt gãy về địa chất tự nhiên, mà còn bởi các điều kiện của địa phương và con người khiến cho hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn.
Các nhà khoa học tại trung tâm Khảo sát địa chất của Mỹ từng tính toán rằng, một trận động đất cường độ tương tự như tại Kathmandu có thể gây lên hậu quả lớn hơn tại những nơi khác trên toàn cầu do cấu trúc xây dựng ở những nơi này.
Chẳng hạn, ước tính trong đơn vị 1 triệu người thì trận động đất như trên có thể khiến cho 10 đến 30 người thiệt mạng tại California, nhưng tại Nepal là 1.000 hoặc hơn thế, và tại Pakistan, Ấn Độ, Iran và Trung Quốc có thể là 10.000.
Dù thảm hoạ bắt nguồn từ thiên nhiên – chẳng hạn như động đất, “nhưng hậu quả phần nhiều lại do con người gây lên” – Jackson nói. Như trường hợp này, ông Jackson cho rằng “chính các toà nhà đã khiến con người thiệt mạng chứ không phải trận động đất”.
“Vấn đề thật sự tại châu Á là cái cách mà người dân đã tập trung lại ở những nơi nguy hiểm” – Jackson nói thêm.
Bản thân thành phố Kathmandu đã được cảnh báo từ trước, đầu tiên là từ chính lớp đất đá. Đây là trận động đất lớn thứ năm xảy ra tại đây trong vòng 205 năm qua, bao gồm cả cơn đại địa chấn năm 1934.
“Họ biết là họ có vấn đề nhưng vì nó quá lớn nên họ không biết bắt đầu từ đâu và bằng cách nào” – Hari Ghi, điều phối viên khu vực Đông nam Á của tổ chức Geohazards International, phân tích.
Các nhà khoa học đều thống nhất rằng, Nepal có tiến triển trong việc giảm thiểu mức độ tàn phá mà động đất gây lên, nhưng không đủ nhanh và đặc biệt là với những cơn đại địa chấn.
Tình trạng nghèo khổ và môi trường sống khiến cho vấn đề thảm họa trở lên tồi tệ hơn- theo ông Jackson. Nhiều người không có thời gian để chuẩn bị trước cho một trận động đất vì những áp lực trong cuộc sống hằng ngày.
Chính phủ Nepal đã kêu gọi quốc tế cứu hộ khẩn cấp. Nhiều nước đã lên tiếng và cử các toán cứu hộ đến Nepal, như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ...