Bản Sin Suối Hồ có 132 hộ với 692 nhân khẩu; các gia đình đều có người ăn Tết cộng đồng sáng 29 Tết, trưởng bàn Vàng A Chỉnh cho biết. Ảnh: Thái An.
Sáng 29 Tết, nhà nhà tay xách nách mang bánh dày, gà rang, thịt lợn luộc, cải mèo xào, bắp cải luộc, nước uống đóng chai, bàn ghế gấp… tới khu nhà nguyện của bản để ăn Tết cùng nhau.
“Năm nào bản ít công chuyện, bà con nhàn nhã thì có thể rồng rắn đến từng nhà ăn Tết nhưng chúng tôi ưu tiên tổ chức ăn Tết cộng đồng kiểu này hơn, áp dụng từ năm 1992”, trưởng bản Sin Suối Hồ, ông Vàng A Chỉnh, trao đổi với phóng viên Tiền Phong sáng mồng 1 Tết.
Cách nay khoảng 40-50 năm, đồng bào Mông vẫn ăn Tết riêng từ ngày 30/11 tới 15/12 âm lịch; người đi làm, học sinh, sinh viên rất khó xin nghỉ làm, nghỉ học để sum vầy dịp này, nên đã hội nhập ăn Tết vào cuối tháng Chạp đầu tháng Giêng cùng đồng bào cả nước, ông Chỉnh cho biết.
Mâm cỗ dịp Tết của người Mông thường có bánh dày, thịt trâu gác bếp, mèn mén (ngô xay nhỏ được đồ như đồ xôi)…, trong đó món bánh dày không nhân dẻo quánh là thứ không thể thiếu, giống như bánh chưng của người Kinh.
Một số gia đình vẫn làm bánh dày theo kiểu thủ công: cho bột nếp vào máng gỗ rồi hai người đàn ông dùng thanh gỗ hình chữ L giã liên tục, khi nặn bánh thì dùng lòng trắng trứng gà cho đỡ dính tay, bánh có lớp vỏ ngoài được nướng trên than hồng nên vừa giòn vừa thơm, ăn riêng hoặc chấm mật ong, sữa đặc đều ngon xoắn lưỡi.
Hai nét đẹp dịp Tết và thường ngày
Có hai điều đặc biệt trong buổi ăn Tết cộng đồng là các hộ gia đình ngồi quây quần bên nhau nhưng thỉnh thoảng qua bàn các nhà khác để thưởng thức đồ ăn, thức uống của hàng xóm; và trên mâm cơm của tất cả mọi nhà đều vắng bóng chai rượu, lon bia, bao thuốc lá, gói thuốc lào.
Không chỉ ngày Tết, đồng bào Mông ở bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) mới nói không với hơi men, khói thuốc mà cuộc sống của họ từ những năm 90 của thế kỷ trước đã không rượu, không bia, không thuốc lá, không thuốc lào, không ma túy.
“Đầu những năm 90 trở về trước, nhiều người trong bản say sưa trong men rượu, trong khói thuốc phiện, tiêu tốn tiền không biết bao nhiêu mà kể. Vì thế, chính quyền, mục sư Hảng A Xà và bà con trong bản kiên trì động viên con em cai nghiện ngay trong bản, đến năm 1995 thì thành công”, trưởng bản Vàng A Chỉnh trao đổi với phóng viên Tiền Phong sau khi nói chuyện với dân bản tại buổi ăn Tết cộng đồng.
Trẻ em Sin Suối Hồ chơi trồng cây chuối, đấu vật trên cánh đồng trơ gốc rạ chiều 30 Tết. Ảnh: Thái An.
Ông Chỉnh nói với bà con về 5 vấn đề chính. Thứ nhất, cả bản năm qua đã chung sức chung lòng xây mới, tu sửa đường sá, trường học, điểm dừng chân cho du khách… với các hoạt động thu chi công khai, minh bạch. Thứ hai, trong mùa khô này rất dễ xảy ra hỏa hoạn, dân bản cần phải cẩn thận khi nấu nướng, đốt lửa trong rừng. Thứ ba, con em trong bản chưa đủ 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe thì không được lái xe máy, ô tô.
Anh Thành địu em Đạt chuẩn bị rời nhà đi chơi Tết. Ảnh: Thái An.
Thứ tư, dân bản duy trì truyền thống không rượu bia, thuốc lá, ma túy, nhất là dịp lễ hội đông người gần xa, dễ phát sinh tình huống phức tạp. Và thứ năm, dịp lễ hội mùa xuân, đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh Lai Châu đến bản, bà con chú ý giữ gìn hình ảnh, tránh xích mích, đánh chửi nhau.
Cô gái Mông đầy thần thái người mẫu trong vườn nhà rực sắc đỏ hoa đào, sắc trắng hoa mận... Ảnh: Thái An.
“Hội Xuân của bản kéo dài từ mồng 5 tới mồng 7 Tết với sự tham gia của hàng vạn bà con và du khách thập phương. Mọi người vui vẻ chơi đánh cầu (nam, nữ cầm vợt gỗ đánh vào ống tre cắm lông gà), ném pao (quả tròn đan bằng tre hoặc khâu nối bằng vải lanh, trong nhồi vỏ trứng hoặc hạt cây để tạo tiếng kêu), tù lu (đánh quay, đánh cù), gọi điện thoại (2 ống nghe đơn giản nối với nhau bằng sợi dây dài), bắn nỏ, đẩy gậy…”, trưởng bản Chỉnh giới thiệu với phóng viên rồi vội vã lên khu đất rộng trên núi cao để đôn đốc việc dựng sân khấu phục vụ lễ hội sắp tới.