Đóng BHXH 20 năm như hiện tại là quá lâu
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh Bắc Kạn và Vĩnh Long về đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm Xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu.
Theo cử tri các địa phương này, hiện thời gian tham gia BHXH tự nguyện 20 năm như hiện tại là quá lâu, dẫn đến việc người dân không có khả năng đóng phí.
Các cử tri kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHXH, giảm thời gian tham gia đóng BHXH tự nguyện. Cử tri hai tỉnh cũng đề nghị quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm để được hưởng lương hưu, mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH.
Theo các cử tri, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu cần giảm xuống từ 10-15 năm. |
Trả lời vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã nêu rõ, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, Dự thảo luật BHXH được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6, khóa XV đã đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu, để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Theo đó, trường hợp người lao động khi đến tuổi hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng, do quỹ BHXH chi trả, cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động.
Cùng với đó, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng sẽ được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Sẽ trình Quốc hội vào tháng 6 năm nay
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - cho rằng, việc dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị trong lần sửa đổi này. Điều này tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, theo ông Sỹ, cần phải hạ thấp số năm đóng BHXH hơn nữa. Có thể là 10 năm hoặc thấp hơn theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. “Cơ chế này không chỉ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu, từ đó khuyến khích họ tham gia BHXH không bao giờ là muộn; hạn chế được tình trạng người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc”, ông Sỹ nói.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận, thông qua vào kỳ họp tháng 6 năm nay. |
Theo ông Sỹ, trường hợp các nhà soạn thảo tính toán chưa thể hạ xuống 10 năm ở thời điểm hiện nay thì nên giao cho Chính phủ quy định vấn đề này khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho rằng, mục tiêu chính của chính sách BHXH vẫn phải khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn.
Theo ông Huân, trước năm 2014 với thời gian đóng BHXH đủ 15 năm, người lao động sẽ được hưởng mức lương hưu tối thiểu là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, sau đó tăng lên mỗi năm 2% với nam và 3% với nữ. Tuy nhiên, với công thức tính lương hưu như vậy, mức hưởng vẫn cao hơn so với mức đóng. Do đó, để cân bằng lại, Luật BHXH năm 2014 đã được sửa đổi tăng dần lên 20 năm mới được hưởng 45%.
"Trong lần sửa đổi này, khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm, mức hưởng sẽ giảm đi, dẫn đến lương hưu rất thấp. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán mức hưởng là bao nhiêu để khuyến khích người dân tham gia BHXH, song cần có cơ chế khuyến khích người lao động đóng nhiều năm để sau này hưởng mức lương hưu cao hơn”, ông Huân nói.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, việc đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 15 năm hay 10 năm đang được Bộ tiếp tục lấy ý kiến điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Dự kiến, dự thảo sẽ tiếp tục trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 6 năm nay.