Đã quán triệt gần hết nghị quyết Trung ương về cải cách Bảo hiểm xã hội vào luật

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của Trung ương giao 28 nhiệm vụ cho Chính phủ về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) tới nay đã cơ bản được thể chế hoá trong các luật liên quan. Chỉ còn nội dung về điều chỉnh tỷ lệ đóng BHXH theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động. Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ thể chế hóa tại một thời điểm thích hợp.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với dự án Luật BHXH sửa đổi.

Cụ thể, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát và bám sát Nghị quyết 28-NQ/TW để đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu tăng cường an sinh xã hội; tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách; hạn chế việc trốn đóng BHXH.

Đã quán triệt gần hết nghị quyết Trung ương về cải cách Bảo hiểm xã hội vào luật ảnh 1

Chỉ còn 1 nội dung của Nghị quyết 28 liên quan điều chỉnh mức đóng BHXH chưa quán triện vào luật do chưa phù hợp điều kiện hiện nay.

Với ý kiến trên, Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) cho biết, sau khi Nghị quyết 28 được ban hành, Chính phủ đã có nghị quyết giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương để triển khai thực hiện các nội dung cải cách BHXH. Trong quá trình nghiên cứu, có 28 nội dung của Nghị quyết 28 cần thể chế hoá.

Tới nay, đã thể chế hoá 15 nội dung trong Luật BHXH hiện hành và 11 nội dung đã đưa vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi; có 1 nội dung thể chế hoá trong Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.

Chỉ còn 1 nội dung của Nghị quyế 28 về nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng vào quỹ BHXH theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự kiến sẽ thể chế hóa tại một thời điểm thích hợp.

Bộ LĐ-TB&XH lý giải về chưa thể hoá nội dung điều chỉnh mức đóng BHXH, do Luật BHXH năm 2006 đã có lộ trình tăng tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ năm 2010 đến năm 2014 (người lao động tăng mức đóng từ 5% lên 8%, người sử dụng lao động tăng từ 11% lên 14%). Tiếp đó, Luật BHXH năm 2014 đã có nhiều điều chỉnh về công thức tính lương hưu, tuổi nghỉ hưu của người bị suy giảm khả năng lao động...; đặc biệt việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 đã góp phần cải thiện đáng kể khả năng cân đối dài hạn của quỹ hưu trí và tử tuất.

Trong khi đó, không thể điều chỉnh giảm tỷ lệ đóng vào quỹ BHXH, do hiện quỹ ốm đau và thai sản hàng năm số thu - chi trong năm cơ bản ngang bằng, có những năm số chi cao hơn số thu (năm 2017, 2019), lũy kế kết dư không nhiều (số chi tương đương số thu trong năm). Hiện quỹ hưu trí và tử tuất mới đang dần đảm bảo cân đối lâu dài.

Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, việc điều chỉnh tăng tỷ lệ đóng BHXH của người lao động hay người sử dụng lao động đều chưa phù hợp.

Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, trong 136 điều của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có hơn 20 điều còn quy định giao cho Chính phủ, bộ ngành quy định chi tiết. Do đó, địa biểu dề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định chi tiết ngay trong luật, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Với nội dung trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật BHXH sửa đổi, đã chủ động rà soát nội dung tại các nghị định hướng dẫn luật hiện hành để đưa vào dự thảo luật sửa đổi, để hạn chế tối đa quy định hướng dẫn tại các văn bản dưới luật.

Tuy nhiên, lĩnh vực BHXH mang tính chuyên môn sâu, có nội dung khá phức tạp, có những nội dung quy định có thể phải nhắc lại phần lớn nội dung luật khác có liên quan, như: Nội dung về khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực BHXH; nội dung quy định chi tiết đối với các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí… Ngoài ra, chính sách BHXH liên quan đến mức hưởng nhiều loại trợ cấp như lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng… nên cần thiết phải quy định giao Chính phủ quy định điều chỉnh (như tăng mức hưởng), nhằm đảm bảo giá trị mức hưởng của người thụ hưởng chế độ.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu trao đổi, thống nhất các nội dung để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

MỚI - NÓNG