Theo CNN, 52 năm trước, đảng Cộng hòa đã chịu một thất bại bẽ bàng trong cuộc bầu cử tổng thống, khi ứng viên đại diện của họ, Thượng nghị sỹ bang Arizona Barry Goldwater bị ứng viên phía Dân chủ Lyndon Johnson vượt qua với cách biệt hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ. Ông Johnson giành 486 phiếu đại cử tri, so với 52 phiếu của ông Goldwater.
Kết quả kiểm phiếu phổ thông còn tệ hại hơn cho phe Cộng hòa, khi ông Johnson giành tới 61% số phiếu, cao hơn cả tỷ lệ người tiền nhiệm Franklin Delano Roosevelt có được khi đắc cử năm 1936.
Thất bại của ông Goldwater năm 1964 để lại hậu quả to lớn cho các ứng viên đảng Cộng hòa muốn chạy đua vào quốc hội, khi cử tri Mỹ đồng loạt rời bỏ đảng này để ủng hộ các đối thủ Dân chủ.
Theo giáo sư sử học Julian Zelizer tại Đại học Princeton, Mỹ, hiện tượng Donald Trump có những điểm tương đồng với ông Barry Goldwater 52 năm về trước, khi cùng đi ngược với tư tưởng chủ đạo trong đảng Cộng hòa.
Barry Goldwater khi đó được xem là người có tư tưởng cánh hữu, đã hối thúc đảng Cộng hòa đi theo đường lối bảo thủ, bỏ lại những nhân tố ôn hòa vốn có tiếng nói rất mạnh tại thời điểm đó.
Khi những người Cộng hòa tổ chức đại hội toàn quốc tại San Francisco, tháng 7/1964, các đại biểu đã la ó Thống đốc New York Nelson Rockefeller, khi ông này cảnh báo về những người cực đoan, đang lợi dụng "nỗi sợ và sự hận thù". Trái lại, cử tri lại hô vang ủng hộ Goldwater khi ứng viên này tuyên bố: "Sự cực đoan khi bảo vệ tự do không có lỗi. Sự ôn hòa trong theo đuổi công lý không phải điều tốt".
Cuối cùng, những người Cộng hòa chọn Goldwater làm đại diện tranh cử và chịu hậu quả khủng khiếp. Ứng viên Johnson của phe Dân chủ đã thực hiện một chiến dịch vận động, khắc họa Goldwater là một người cực đoan nguy hiểm.
Nổi tiếng nhất là đoạn video có tên Daisy, trong đó một bé gái đang nhặt những cánh hoa cúc lên thì một giọng nam giới vang lên, đếm ngược từ 10 đến 1. Quảng cáo kết thúc khi máy quay chiếu cận cảnh vào mắt em bé, rồi ngay sau đó là hình ảnh một vụ nổ hạt nhân khổng lồ.
Trong một video khác, khán giả thấy các thành viên phong trào cực hữu Ku Klux Klan tại Mỹ tuần hành cùng những cây thánh giá bốc cháy, ám chỉ đến việc ông Goldwater được một lãnh đạo Ku Klux Klan tại bang Alabama ủng hộ.
Ku Klux Klan, hay còn gọi là the Klan hoặc KKK, là phong trào ra đời năm 1866 và vẫn tồn tại đến ngày nay, có tư tưởng cực hữu, xem người da trắng là thượng đẳng, chống người nhập cư, và thường có hành động tấn công vũ lực những người họ phản đối.
Lịch sử liệu có lặp lại
Ứng viên tổng thống 2016 của đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Nhưng liệu việc đề cử ông Trump có khiến lịch sử năm 1964 lặp lại? Kết quả là điều khó đoán, bởi theo giáo sư Julian Zelizer, khác biệt lớn nhất hiện nay là sự phân cực của cử tri.
Trong nhiều mùa bầu cử vừa qua, hầu như ít có hiện tượng cử tri chuyển từ ủng hộ đảng này sang đảng kia. Các bang đều có thể được dự đoán theo phe xanh (Dân chủ) hay đỏ (Cộng hòa), và cuộc đua vào Nhà Trắng thường được quyết định tại một số bang như Ohio, Florida và Colorado.
Ngoài ra, đảng Cộng hòa trong vài thập kỷ qua đã dịch chuyển rất xa về phía cánh hữu. Một số tuyên bố từng gây tranh cãi của ông Goldwater năm 1964 giờ có thể được nhiều bộ phận trong đảng này ủng hộ. Một số vấn đề gai góc nhất mà tỷ phú Trump đưa ra, như quan điểm cứng rắn trước vấn đề nhập cư, cùng những công kích về "sự chuẩn xác về mặt chính trị" cũng không khiến ứng viên này quá xa rời tư trưởng chính thống của đảng Cộng hòa, như cách người ta nhìn nhận ông Goldwater năm 1964.
Hiện cũng không có nhiều bằng chứng cho thấy nếu ông Trump trở thành ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ sẽ chiến thắng áp đảo tại hạ viện Mỹ - nền tảng quyền lực của những người bảo thủ. Những người Cộng hòa hiện nắm chắc nhiều khu vực bầu cử, nơi cử tri rất trung thành và phe Dân chủ hiếm có cơ hội thành công.
Cơ hội tốt nhất cho phe Dân chủ sẽ là giành quyền kiểm soát thượng viện. Nếu phe Dân chủ nắm được đa số ghế tại Thượng viện, thì dù cách biệt không nhiều, chiến thắng đó sẽ có ý nghĩa lớn. Nhưng khi phe Cộng hòa đang áp đảo tại hạ viện, phe Dân chủ dù có thắng cũng khó có thể chiến thắng cách biệt lớn.
Các ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đồ họa: NYTimes
Khác biệt
Giáo sư Zelizer cho rằng Donald Trump là một ứng viên rất khác so với Goldwater. Hơn nửa thế kỷ trước, ứng viên Goldwater của đảng Cộng hòa thu hút cử tri và được đề cử trong bối cảnh phong trào bảo thủ đang lớn mạnh, với những quy tắc rất rõ ràng: hạn chế quyền hành của chính phủ, phản đối các đạo luật về quyền dân sự liên bang. Bằng cách bám chặt lấy những nguyên tắc này, Johnson đã đưa ra được những luận điểm mạnh mẽ, khắc họa Goldwater là người có tư tưởng quá cực hữu.
Nhưng chiến dịch tranh cử của ông Trump hiện tại chủ yếu thu hút cử tri bằng phong cách chứ không phải những chính sách rõ ràng. Dù có những bình luận có thể châm ngòi công kích, đặc biệt như bình luận về người Hồi giáo cùng những bình luận mù mờ về cựu lãnh đạo phong trào KKK David Duke, thì trên nhiều vấn đề, ông Trump chưa đưa ra quan điểm rõ ràng. Điều này khiến việc tấn công "ông trùm" bất động sản này không dễ dàng.
Trong những vấn đề ông Trump đã đề cập như tăng thuế, chăm sóc y tế và tự do thương mại, khả năng tỷ phú này ngả theo tư tưởng cánh tả cũng cao không kém cánh hữu. Nhưng đến nay, việc này không khiến ông Trump gặp khó, bởi một số người Cộng hòa đã cho thấy họ sẵn sàng ủng hộ ông, bất chấp một số quan điểm ít tính bảo thủ hơn của ông
Một khác biệt lớn nữa giữa ông Trump và ông Goldwater là tài vận động. Trong khi Trump đặc biệt lôi cuốn và hiệu quả trong khai thác truyền thông, Goldwater lại thường ấp úng khi diễn thuyết, hoặc đưa ra những tuyên bố không mấy hấp dẫn báo giới.
Ông Trump dường như thực sự cảm nhận được sự giận dữ đang bao trùm cử tri, đồng thời khéo léo trong việc đưa ra những tuyên bố đầy tranh cãi để thu hút dư luận, nhưng vẫn khó bị công kích. Và người Mỹ dường như muốn nghe tỷ phú nói nhiều hơn, chứ không phải ít đi.
Điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là thời điểm lịch sử. Khi ông Goldwater tranh cử năm 1964, đảng Dân chủ đang có ưu thế. Cái chết của Tổng thống John F. Kennedy, đảng Dân chủ, đã khiến nước Mỹ chấn động và in sâu trong tâm trí cử tri. Ông Johnson đã kết nối rất mạnh mẽ chiến dịch của mình với vị cố tổng thống được lòng công chúng.
Trong mùa bầu cử 2016 này, sự kết nối như trên sẽ chỉ khiến bà Hillary Clinton gặp rắc rối, bởi tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama đang giảm. Do đó, giáo sư Zelizer cho rằng những người Dân chủ cần thận trọng khi đánh giá về ứng viên Donald Trump.
"Lịch sử kết quả chạy đua vào Nhà trắng năm 1964 có thể lặp lại, nhưng cũng dễ diễn biến theo chiều hướng hoàn toàn khác", ông Zelizer nhận xét.