Đón nhiều người Trung Quốc, châu Phi lo bị ‘tê liệt’ vì Covid-19

Một người thử đeo khẩu trang y tế tại hiệu thuốc ở Zambia. (Ảnh: AP)
Một người thử đeo khẩu trang y tế tại hiệu thuốc ở Zambia. (Ảnh: AP)
TPO - Tại một bệnh viện thuộc quyền quản lý của người Trung Quốc ở Zambia, các nhân viên thấy nhiều người trở về từ Trung Quốc có triệu chứng ho nhưng không bị cách ly. Một bác sĩ chăm những bệnh đó đã không đi làm nữa, và các nhân viên y tế ở đây nhận được lệnh không nước nói công khai về loại virus đã giết chết hơn 1.000 người trên thế giới.

Virus corona mới (Covid-19) đã lan khắp Trung Quốc và chưa được xác nhận hiện diện ở châu Phi, nhưng một số nước như Bờ biển Ngà, Kenya, Ethiopia và Botswana đã báo cáo các trường hợp nghi nhiễm. Giới chức y tế toàn cầu đang ngày càng lo ngại nguy cơ đối với châu lục nơi đang có khoảng 1 triệu người Trung Quốc đang sống, trong bối cảnh khu vực này chưa được chuẩn bị để xử lý tình huống dịch bệnh bùng phát. 

Các nước châu Phi đang nỗ lực triển khai biện pháp phòng ngừa khi có hàng trăm du khách từ Trung Quốc đến đây mỗi ngày. Các biện pháp đó gồm tăng cường giám sát tại sân bay, bến cảng, nhà ga, tăng cường kiểm tra thân nhiệt và xét nghiệm trên khắp châu lục, nơi có khoảng 1,2 tỷ người sinh sống nhưng có hệ thống phát hiện và điều trị bệnh tật yếu nhất thế giới. 

Nỗ lực này gặp khó khăn hơn trước tình trạng thiếu bộ xét nghiệm và hàng loạt bệnh khác có triệu chứng giống như cúm đã hoành hành ở đây.

“Vấn đề là, dịch dù nhẹ cũng có thể làm tê liệt cả cộng đồng”, AP dẫn lời TS Michel Yao, một quản lý về các hoạt động khẩn cấp tại châu Phi của WHO. 

Những nhân viên làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Trung Quốc – Zambia ở Kitwe, nơi gần biên giới với Congo, nằm trong số những người lo ngại nhiều hơn cả. Các công ty khai thác mỏ hoạt động ở vùng ngoại ô của thành phố nơi có nửa triệu dân đang sống. Một công ty trong số đó có trụ sở ở Vũ Hán, tâm dịch ở Trung Quốc hiện nay. Hàng trăm công nhân đi lại giữa Zambia và Trung Quốc trong những tuần gần đây. 

“Chắc chắn chúng tôi chưa chuẩn bị gì. Nếu xuất hiện vài ca bệnh ở đây, dịch sẽ lây rất nhanh. Chúng tôi đang làm điều tốt nhất có thể, sử dụng những nguồn lực có trong tay”, bác sĩ vật lý trị liệu Fundi Sinkala, công tác tại bệnh viện, cho biết.

Nằm gần bến tàu hoả của thành phố, Bệnh viện hữu nghị Trung Quốc – Zambia, gọi tắt là Sinozam đang triển khai một số biện pháp phòng ngừa như kiểm tra thân nhiệt bệnh nhân bằng nhiệt kế hồng ngoại và lập khu cách ly. Các nhân viên phải đeo khẩu trang. Găng tay, chất diệt khuẩn và ống thở oxy đã được tích trữ. Sinozam điều trị cho nhiều người Trung Quốc ở Kitwe nên phải thận trọng hơn những bệnh viện khác trong vùng. 

Nhưng nhiều nhân viên làm việc tại bệnh viện này nói rằng một số bệnh nhân Trung Quốc bị ho và sốt nhưng cũng không phải vào nơi cách ly. 

Các bác sĩ Zambia kết luận những bệnh nhân đó không cần điều trị đặc biệt và không lấy mẫu xét nghiệm virus. Sau khi hồi phục, họ được đưa về nhà để dùng kháng sinh. 

Hai người nắm được tình hình trong viện tiết lộ rằng một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân đã ngã bệnh. Bác sĩ Yu Jianlan không đi làm từ tuần trước và lãnh đạo bệnh viện không giải thích lý do bác sĩ này vắng mặt. 

Li Zhibing, quản lý bệnh viện, nói rằng ở đây không có bệnh nhân nào sốt, và bác sĩ Yu chỉ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu chứ không sốt. Nhưng một thông báo do Khu hợp tác Zambia - Trung Quốc, nơi đặt bệnh viện, đăng tải dẫn lời một nhân viên nói rằng cơ sở này “có thể đã tiếp nhận 120 bệnh nhân sốt mỗi ngày, và ít nhất 70 người trong số đó mang mầm bệnh” của nhiều loại bệnh khác nhau. 

Đầu tuần trước, một quan chức Zambia lần đầu thừa nhận rằng quốc gia này đang theo dõi một số trường hợp nghi nhiễm. Zambia là một trong 13 quốc gia châu Phi được WHO xác định là có nguy cơ cao vì có nhiều hoạt động đi lại với Trung Quốc. 

Cho đến cuối tuần trước, chưa ai ở Zambia có thể xét nghiệm Covid-19. Giống như hầu hết các nước châu Phi khác, Zambia đang chờ chất gọi là thuốc thử để có thể xác định bệnh nhân có nhiễm Covid-19 hay không. Chỉ có 6 trong 54 quốc gia châu Phi có phòng thí nghiệm được cung cấp chất này. Điều đó có nghĩa là các mẫu bệnh phẩm vẫn phải được đưa đến Nam Phi hoặc thậm chí sang lục địa khác để kiểm tra. 

Không có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chỉ biết dựa vào dấu hiệu. Nhưng vấn đề là có những người lây bệnh cho người khác ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng nào. 

Một quan ngại khác ở Sinozam là chuyện các quan chức y tế Zambia tuần trước đến thăm viện này và kiểm tra thi thể của 2 bệnh nhân Trung Quốc đã được bảo quản nhiều ngày, dù một số người cho rằng đó là sự thận trọng quá mức. 

Nhưng ông Li, quản lý bệnh viện, nói rằng chuyện đó chỉ là “tin đồn”. Ông nói hai bệnh nhân chết từ tháng trước vì bệnh sốt rét và đau tim. Thi thể họ vẫn được giữ vì gia đình ở Trung Quốc muốn đến nhận người thân nhưng chưa thể lên đường vì các biện pháp hạn chế đi lại.

Giám đốc điều hành quỹ từ thiện Gate Foundation, ông Mark Suzman, nói rằng không thể chẩn đoán bệnh do Covid-19 gây ra nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Ông cho rằng có “khả năng đáng kể” virus này sẽ được xác nhận ở châu Phi. 

Quỹ này cam kết dành 20 triệu USD để giúp các cơ quan y tế ở châu Phi và Nam Á cũng như các vùng dễ bị tổn thương khác nâng cao khả năng giám sát, cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

Gần như tất cả các chính phủ châu Phi đều đã áp dụng biện pháp kiểm tra thân nhiệt tại các điểm tiếp nhận du khách. Các hãng hàng không châu Phi đều đã đình chỉ bay đến Trung Quốc, ngoại trừ hãng hàng không Ethiopia Airlines.

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.