Dân Indonesia hoài nghi báo cáo 'chưa có người nhiễm Covid-19 ở xứ vạn đảo'

Hành khách đeo khẩu trang khi làm thủ tục tại sân bay Cengkareng ngày 1/2. (Ảnh: Getty Images)
Hành khách đeo khẩu trang khi làm thủ tục tại sân bay Cengkareng ngày 1/2. (Ảnh: Getty Images)
TPO - Trong tuần này, Indonesia trở nên khác biệt với các nước láng giềng Đông Nam Á khác: Chính phủ khẳng định không có bất kỳ trường hợp nhiễm virus corona mới (Covid-19) nào được phát hiện ở nước này. Trong khi đó, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và các nước khu vực khác đều đã ghi nhận nhiều trường hợp.

Nhưng khi số lượng người bị cách ly tiếp tục gia tăng trên khắp Indonesia trong những ngày gần đây, trong đó có 30 lao động Trung Quốc quay lại tỉnh Bắc Sulawesi sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, đang có lo ngại rằng sẽ xuất hiện những ca bệnh đầu tiên ở nước này, nếu thực sự đến nay chưa có ai hoặc có nhưng chưa được báo cáo. 

Người dân xứ vạn đảo lo lắng vì trước đây chính phủ xử lý không hiệu quả trong đợt dịch cúm gia cầm H5N1 cách đây chục năm, khiến 165 trong tổng số 187 người nhiễm bệnh thiệt mạng trong thời gian từ năm 2005 đến 2014, nghĩa là tỷ lệ tử vong lên đến 84%. Nhiều người phàn nàn về tình trạng không sớm phát hiện và báo cáo ổ dịch, hoặc không giảm sát và hạn chế hiệu quả sự di chuyển của người và hàng hoá. 

Thứ Hai tuần này, trước hoài nghi của dư luận về khả năng không phát hiện được hoặc không báo cáo các ca nhiễm Covid-19, Bộ Y tế Indonesia bác bỏ một nghiên cứu của ĐH Havard kết luận rằng Indonesia đáng ra đã có những trường hợp nhiễm bệnh. 

“Căn bản nghiên cứu chỉ là một mô hình toán học dự đoán sự lây lan của virus với nhiều biến số độc lập dựa trên lượng di chuyển quốc tế”, ông Siswanto, cục trưởng cục nghiên cứu và phát triển của Bộ Y tế Indonesia, nói với báo giới ngày 9/2. 

Ông nói rằng Bộ này đã kiểm tra 62 trong 64 mẫu bệnh phẩm từ những người nghi nhiễm, nhưng tất cả đều âm tính. 

“Chúng tôi đã kiểm tra kỹ. Chúng ta đáng ra nên cảm thấy biết ơn vì không có ca bệnh nào, dù dự đoán là ít nhất có 6 ca nhiễm ở nước ta”, ông Siswanto nói. 

Giới chức nước này đã lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về trường hợp nghi nhiễm nCoV, đồng thời nâng mức cảnh báo đi lại đến Singapore lên màu cam, sau khi số ca nhiễm Covid-19 ở Singapore vượt quá con số 40, trong đó có một lao động người Indonesia.

Indonesia chuẩn bị 100 bệnh viện trên khắp quần đảo, trong đó có 3 bệnh viện ở Jakarta, để tiếp nhận bệnh nhân. Tuần trước, chính phủ nước này đưa các chuyến bay thuê bao sang đón 240 công dân đang sống ở Vũ Hán rồi về cách ly họ ở đảo Natuna xa xôi trong nửa tháng. 

Indonesia cũng đã huỷ tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc và lắp đặt thiết bị giám sát thân nhiệt tại các sân bay lớn. Lệnh cấm bay khiến khoảng 5.000 du khách Trung Quốc mắc kẹt trên đảo Bali, dù nhiều người trong số đó muốn ở lại để tránh nguy cơ nhiễm bệnh khi về nước. 

Chính phủ Indonesia đã bắt đầu bàn luận về việc xây một bệnh viện đặc biệt để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 để phòng nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở nước này. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang phối hợp với chính phủ Indonesia để xác định các trường hợp nhiễm Covid-19, nhưng chưa khẳng định họ tin rằng đã có trường hợp nhiễm bệnh ở nước này. 

Trong một bài viết thể hiện quan điểm riêng đăng trên báo Thái Lan Bangkok Post hôm qua, cựu ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh quyết tâm của Asean trong triển khai các thoả thuận quốc tế đạt được sau dịch Sars và cúm gia cầm, nhằm chống lại các đợt dịch bệnh bùng phát theo cách thức nhanh chóng và quyết liệt. 

Chính phủ Indonesia hôm qua cho biết sẽ tăng chi tiêu công và tạo động lực cho ngành du lịch nhằm hỗ trợ tiêu dùng trong nước và bảo vệ nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19. 

Theo ước tính của chính phủ, dịch bệnh này có thể làm mất 0,1-0,3 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm nay, trong khi giảm 1-2 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Theo Theo SMCP
MỚI - NÓNG