Hàng chục năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng
Tại buổi làm việc, ý kiến phát biểu của các ĐH đều đề cập nhiều đến công tác xây dựng cơ sở hạ tầng theo các dự án đã được duyệt, với ĐH Đà Nẵng là làng ĐH, với ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội là khu đô thị ĐH, trong đó nổi lên là vấn đề thu xếp nguồn vốn cho công tác này và một số cơ chế, chính sách cho các trường, nhất là việc tự chủ ĐH.
Trong tháng 9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm và làm việc với ĐHQGHN. Trọng tâm của buổi làm việc là làm thế nào để kịp tiến độ xây dựng ĐH QGHN tại Hòa Lạc vào năm 2025. Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH QGHN cho biết dự án xây dựng ĐH QGHN tại Láng - Hòa Lạc thực hiện từ năm 2003, đến nay mới giải phóng được 75% mặt bằng. Tổng số vốn đầu tư luỹ kế từ 2003 đến nay khoảng 1.794 tỷ đồng. So với kế hoạch, dự án bị chậm tiến độ nghiêm trọng. Thời gian tới ĐH QGHN cần khoảng trên 1200 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, trong đó 717 tỷ giải phóng mặt bằng, hơn 500 tỷ xây dựng công trình tái định cư và công trình thiết yếu. Trước một số khó khăn vướng mắc, ĐH QGHN kiến nghị Thủ tướng 7 nội dung. Trong đó, đề nghị chuyển giao dự án xây dựng ĐH QGHN tại Láng Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về ĐH QGHN.
Hôm qua, 3/11, trao đổi với PV Tiền Phong, GS. TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, trong ba đô thị ĐH, ĐH QGTPHCM đã có hình hài, ĐH QGHN đã giải phóng mặt bằng cơ bản, chỉ có ĐH Đà Nẵng còn phải được đầu tư nhiều hơn nữa mới có thể đạt được như yêu cầu. Theo GS.Trần Văn Nam, dự án làng ĐH Đà Nẵng ra đời từ năm 1997, đến nay tròn 20 năm. Diện tích mặt bằng được giao là 300ha, nhưng mới giải phóng mặt bằng được khoảng 30ha (chiếm 10%). GS.Trần Văn Nam nói vui rằng những đứa trẻ được sinh ra từ thời điểm đề án được phê duyệt, nhiều người giờ đã có gia đình và có con. “ĐH QGTPHCM và ĐH QGHN trực thuộc Chính phủ, ĐH Đà Nẵng trực thuộc Bộ GD&ĐT. Kinh phí ngân sách về Bộ GD&ĐT dù Bộ có ưu tiên thì cũng chỉ được hơn chút ít so với các trường ĐH khác. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, được đầu tư hơn 400 - 500 tỷ cùng với kinh phí của trường, nên mới giải phóng được chút ít và xây dựng được một cơ ngơi nho nhỏ” – GS Trần Văn Nam nói.
GS Trần Văn Nam cho biết, kinh phí dự toán để giải phóng mặt bằng đối với dự án còn cần khoảng 3000 tỷ nữa. Giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng đề xuất kiến nghị Chính phủ cho phép ĐH Đà Nẵng có cơ chế đặc thù giống như hai ĐH quốc gia về tài chính là đầu tư trực tiếp.
Thủ tướng: Phải có mặt bằng sạch cho 3 đại học này
Tại buổi làm việc với lãnh đạo 3 ĐH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cả trung ương và địa phương, nhất là Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN, ĐHQGTPHCM, ĐH Đà Nẵng cần dồn lực để tập trung phát triển 3 ĐH này thành những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, trước hết là cho 3 vùng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ba ĐH sẽ được tập trung xây dựng thành khu đô thị ĐH có quy hoạch xứng tầm để có hạ tầng bảo đảm cho sự phát triển. Đây phải là những ĐH đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng của ĐH Việt Nam trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Thủ tướng khẳng định Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với 3 ĐH, các địa phương hỗ trợ tái định cư cho người dân. Với tinh thần phải có mặt bằng sạch cho 3 đại học này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét lại các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cùng với Bộ Tài chính, các địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, có những hình thức huy động nguồn lực khác để đầu tư vào đây.
Đề án phát triển tái cấu trúc 3 ĐH cần thực hiện theo quy hoạch chung về phát triển 3 đô thị ĐH tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó 3 ĐH là trung tâm. Mục tiêu của 3 ĐH là có mặt trong bảng xếp hạng ĐH của thế giới.
Thủ tướng cũng giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo hướng dẫn các ĐH thúc đẩy xã hội hóa, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho công tác giáo dục đào tạo, kể cả cho phép 3 đại học này thực hiện hợp tác công – tư PPP nhưng phải có đề án riêng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Chúng ta có mặt bằng sạch, có hạ tầng tốt thì dứt khoát chúng ta xã hội hóa hay các hình thức khác sẽ thành công”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, xử lý các vướng mắc của 3 ĐH nhằm tạo điều kiện cho trường tăng tốc, nhất là xây dựng được 3 khu đô thị ĐH.