Ghi nhận của Bộ Tư pháp cho hay, với quy định hiện hành, quá trình thực hiện chuỗi thủ tục liên quan đến các giao dịch về bất động sản, người dân sẽ phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ khác nhau, từ đó dễ xuất hiện những giấy tờ, tài liệu trùng lặp, thậm chí không cần thiết. Hơn nữa, việc tách bạch hoạt động công chứng với cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, thuế... dễ dẫn đến những hành vi phạm pháp, như lừa đảo, sử dụng giấy tờ giả, trốn thuế…
Trước thực tiễn đó, Bộ Tư pháp đã đề xuất liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, gắn liền với đất và cơ quan thuế. Khi mô hình này được áp dụng, người dân chỉ cần đến một cửa duy nhất, đó là các tổ chức hành nghề công chứng. Tại đây, người yêu cầu công chứng sẽ thể hiện ý chí của mình trong việc chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp… quyền sử dụng đất cùng các tài sản liên quan. Các tổ chức hành nghề công chứng sẽ có trách nhiệm liên hệ, gặp gỡ các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện sự ủy quyền trên.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định, mô hình này sẽ tạo điều kiện công khai, minh bạch phí dịch vụ ủy quyền cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân có cơ hội thụ hưởng dịch vụ chất lượng, giá thành hợp lý.