Đơn giản đó là Cơm Có Thịt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuối năm tôi ngồi sắp xếp bản thảo trong ổ cứng máy tính, tự nhiên tìm ra một loạt bài viết về dạo chương trình “Cơm có thịt” mới ra đời. Đọc và ùa về bao chi tiết, bao kỷ niệm của những ngày đầu tiên ấy.

Giờ tên gọi của chương trình đã là “Quỹ Trò nghèo vùng cao” nhưng cái tên “Cơm có thịt” vẫn luôn thường trực bởi nó chính là cốt lõi là những gì hướng đến của những người làm chương trình mong muốn mang đến cho những đứa trẻ miền núi còn nghèo khó được ăn bữa cơm có thịt được mặc manh áo ấm.

Thấm thoắt đã tròn 10 năm. Mười năm chỉ là một khấc thời gian nhưng với “Cơm có thịt” là một chặng đường tôi gọi là hành trình của những tấm tình. Tấm tình, giản đơn thôi bởi đó là sự đóng góp của nhiều, rất nhiều người trong nước, ngoài nước là những đồng tiền lẻ tiết kiệm của em bé, người già hay những món tiền lẻ, chẵn, gói tài trợ của những cá nhân, tập thể. Tất cả làm nên hành trình 10 năm “Cơm có thịt”.

Đơn giản đó là Cơm Có Thịt ảnh 1

Ông Trần Đăng Tuấn (hàng trên bên trái) và tác giả bài viết cùng các cháu một trường mẫu giáo miền núi

Không tính được bao nhiêu em học sinh đã được thụ hưởng từ chương trình. Những bữa cơm có thịt trong ký túc xá hay mái bếp ấm thay cho đùm lá cơm vắt hay cạp lồng lỏng chỏng cơm rau ở sân trường hay một góc rừng. Cả những điểm trường nghèo mái gianh tạm bợ, vách gió lùa hun hút giờ là phòng học khang trang hay là những tấm chăn, manh áo, đôi giầy ấm áp vào mùa đông buốt giá. Không tính được, chỉ biết hiện tại “Cơm có thịt” đang bảo trợ cho hơn một trăm trường học với hàng ngàn học sinh ở các tỉnh miền núi. Con số tài khoản mỗi năm ước tính gần hai chục tỷ đồng trong đó có cả những công trình xây dựng phòng học, ký túc xá ở những điểm trường khó khăn, hẻo lánh.

Đơn giản đó là Cơm Có Thịt ảnh 2

Ngựa thồ hàng cứu trợ cho chương trình "Cơm Có Thịt"

Nhớ lại ngày đầu tiên tháng 9 năm 2011. Nhóm bạn ở VTV cùng nhà báo Trần Đăng Tuấn, bằng một cơ duyên kỳ lạ, như một sự gửi gắm ký thác từ đâu đó lập ra chương trình. Bắt đầu là bài viết về tình trạng kham khổ của một lớp học ở Suối Giàng, Yên Bái và những giải pháp giúp các cháu có bữa cơm có thịt của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Bài viết được đăng tải trên blog và nhanh chóng lan tỏa. Nhiều người ủng hộ giải pháp quyên góp để có bữa cơm có thịt và lập tức những đồng tiền đóng góp được gửi về tài khoản ông Tuấn. Chương trình “Cơm có thịt” ra đời để vài năm sau đó được Chính phủ cấp phép chính thức trở thành một quỹ bảo trợ xã hội.

Khi chương trình CCT ra đời, nhiều nhóm bạn đã quy tụ về chung tay chung sức. Có người quen trên mạng xã hội, có người bạn ngoài đời và cả những người đọc và xem tác phẩm mến mộ tác giả tìm đến. Có chuyện thế này. Gánh Hàng Xén của một nhóm bạn ban đầu đến với CCT sau tách ra hoạt động liên tục đến ngày hôm nay, năm nào cũng có chuyến tài trợ toàn diện một vài điểm trường nào đấy. Thủy với biệt danh “Sống chậm” là người lập ra nhóm này. Khi buổi đầu gặp cô thổ lộ, mấy chị em em hơn chục năm trước đọc tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ” của anh và mê. Từ đó vẫn dõi theo anh. Nay thấy anh cùng bác Tuấn, chị nhà văn Thùy Linh làm chương trình này nên em tham gia. Mấy chị em Thủy là con một quan chức danh tiếng. Thủy bảo em sẽ dịch tiểu thuyết của anh sang tiếng Anh vào dịp nào đó. Được một vài chuyến khi đã thân quen Thủy nói nghiêm trọng, biết thế này em chả gặp anh, sụp đổ mất thần tượng, văn anh truyện anh trong vắt tinh khiết mà sao con người anh bạt tử, rượu chè xô lệch quá trời. Tôi cười đầy hạnh phúc dẫu biết Thủy nói thật lòng vì thương cảm ông nhà văn ham rượu. Đến giờ vẫn chưa có bản dịch tiểu thuyết và chúng tôi luôn yêu thương, quý trọng nhau.

“Giỏ thị” là một nhóm bạn có biểu tượng “Giỏ” xinh xắn thu nhận những đồng tiền thiện nguyện. Khi CCT ra đời, nhóm Giỏ luôn sát cánh cùng những hoạt động của chương trình. Từ nhóm Giỏ của Lan Oanh, một cán bộ ngành Hàng không, kéo theo những nhóm bạn doanh nhân hoạt động rất hiệu quả. Và trên tất cả những điều đó, chúng tôi trở thành anh em, bạn bè thân thiết ngoài đời, trong mọi nỗi vui buồn cuộc sống.

Giai đoạn đầu tiên, việc cần kíp là triển khai khảo sát và xác định các điểm trường cần hỗ trợ để đưa chương trình vào hoạt động. Chúng tôi xác định đối tượng ban đầu là trẻ Mầm non. Qua thực tế thấy chỉ có trẻ 5 tuổi được Nhà nước hỗ trợ 120 ngàn đồng tháng và số tiền này được phụ huynh lĩnh. Trẻ ở độ tuổi còn lại không có chế độ gì. Các trường Mầm non học trong ngày nên các trường không tổ chức bữa cơm trưa cho các cháu. Trẻ về nhà ăn hoặc tự mang theo đồ ăn. CCT làm việc sẽ hỗ trợ trẻ 3,4 tuổi bằng số tiền Nhà nước cấp cho trẻ 5 tuổi với điều kiện nhà trường phải tổ chức bữa cơm trưa có thịt cho trẻ. “Cơm có thịt” chính là ở tiêu chí này. Một loạt địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc hào hứng triển khai bữa cơm có thịt cho trẻ Mầm non. Phong trào lan rộng, các trường Mầm non dù CCT sức không thể vươn tới cũng hưởng ứng nấu cơm trưa cho trẻ. Đến 2013 Chính phủ có điều chỉnh về đối tượng thụ hưởng chính sách, toàn bộ bậc học Mầm non các lứa 3,4,5 tuổi đều được hưởng chế độ trợ cấp 120 ngàn đồng tháng.

Sau khi trẻ Mầm non có chế độ của Nhà nước thì CCT chuyển sang hỗ trợ trẻ 2 tuổi đi nhà trẻ và bậc tiểu học, trung học cơ sở với các cháu trong diện nhà gần trường không được chế độ nội trú và bán trú. Suất của học sinh tiểu học và trung học cơ sở không có chế độ Nhà nước bằng với những em có tiêu chuẩn.

Tất nhiên với phạm vi của một quỹ xã hội nhỏ thì số trường được thụ hưởng không nhiều và phải là trường đặc biệt khó khăn ở vùng sâu vùng xa và biên giới. Ngoài bữa ăn, CCT còn liên kết với các nguồn quỹ khác xây dựng trường, ký túc xá nội trú, nhà ăn, nhà công vụ giáo viên và một số công việc đột xuất khác như tham gia cứu trợ bão lụt…

Những ngày đầu CCT không phải cái gì cũng thuận lợi, suôn sẻ. Muôn vàn trở ngại khó khăn. Một trong những điều đó là niềm tin. Đúng thôi, thiện nguyện luôn là công việc người Việt coi trọng với tinh thần cưu mang nhau lá lành đùm lá rách. Nhưng không phải không có chuyện này nọ ở đâu đó. Bởi thế khi CCT bắt đầu, nhà báo Trần Đăng Tuấn bằng tài khoản của mình đã khảng khái khẳng định đảm bảo từng đồng sẽ vẹn nguyên đến tận tay các cháu.

Bấy giờ nhà báo Trần Đăng Tuấn đang đương nhiệm chức vụ phó Tổng giám đốc Đài THVN. Làm việc nhiều năm với nhà báo Trần Đăng Tuấn dĩ nhiên chúng tôi tham gia với niềm tin vững chắc vào cốt cách và con người ông. Nhưng cũng không phải không có kẻ tị hiềm ông và chương trình. Nhân một lý do ngoài công việc của chương trình CCT, thậm chí có cả trang mạng tổ chức diễn đàn tấn công ông. Có không ít người dẫn bài và dấy lên sự nghi ngại cho những người làm chương trình.

Lúc đó facebook chưa phát triển. Blog cá nhân đang thịnh hành. Tôi và bạn bè là những người trong cuộc tất nhiên phải lên tiếng bảo vệ. Có câu chuyện thú vị. Một trang ở nước ngoài dẫn bài về nói nhiều điều không đúng gây ảnh hưởng đến cá nhân ông Tuấn và chương trình. Tôi vào comments nhưng chủ nhà phủ nhận nói tôi cùng một giuộc bênh nhau. Cực chẳng đã tôi bảo doanh nhân Nguyễn Hùng, người tham gia từ đầu tiên đến tận bây giờ lập một nickname ảo. Hùng trước đó nhận tôi là bố nuôi, hai bố con hì hụi suốt đêm phân tích trao đổi với chủ trang. Cuối cùng thuyết phục được người này bằng những lý lẽ chân tình và xác đáng. Sau đó anh ta hạ bài.

Hôm sau ông Trần Đăng Tuấn bảo tôi và Hùng, các ông đọc chưa, có tay Bình BT trình độ lắm, học vấn cao, minh triết phân tích đâu ra đấy không sồn sồn như các ông chẳng mấy hiệu quả. Tôi tủm tỉm cười bảo Hùng gõ mật khẩu nickname ảo kia ra xem chủ nhân là ai. Ông Tuấn lặng thinh quay mặt đi nhưng tôi biết ông cảm kích về cử chỉ này. Kể lại chuyện chỉ để nói những người tham gia chương trình luôn hết lòng hết dạ vì công việc và chính công việc đã gắn kết họ lại với nhau bằng sự cảm thông, tình thương yêu như người trong một gia đình.

10 năm CCT. Một chương trình tự phát trở thành một quỹ bảo trợ xã hội tồn tại và phát triển trong một hành trình của những tấm tình suy cho cùng cũng chỉ là chuyện bình thường ở một đất nước còn nghèo khó nhưng người dân nặng tình nghĩa đùm bọc cưu mang nhau. Và chúng tôi những người có mặt từ những ngày đầu đến nay, người còn tham gia, người đã rời đi vì những điều kiện cá nhân vẫn luôn tâm niệm chỉ một điều duy nhất. Những tấm tình đồng bào phải được gìn giữ trong sáng tuyệt đối, bất cứ đồng tiền nào cũng phải vẹn nguyên đến được tận tay các cháu thụ hưởng.

Có câu hỏi không ít người đặt ra. Vậy những người làm chương trình được gì mà các vị kiên trì nhiều năm như thế? Câu trả lời đã có ở trên bài tôi chỉ đưa thêm một minh họa vui vui ngày Tết. Lần gần nhất tháng 11/2021 ban lãnh đạo CCT đi kiểm tra điểm trường bảo trợ ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Đi xuyên dịch Covid và đúng lúc bão lũ. Đường sạt lở sát vực. Mọi người quyết tâm đi qua. Ông Trần Đăng Tuấn cầm lái bảo mọi người xuống hết. Tôi vẫn ngồi lại nói, nếu không may xe lao vực thì ông còn có bạn uống rượu.

Hôm sau ông Tuấn viết trên facebook cá nhân kể lại chuyện này với sự xúc động. Đọc xong anh con nuôi Nguyễn Hùng bảo, chú biết tính bố cháu, ông ấy sợ mưa ướt và rét nên lười ngồi lại chả nghĩ gì đến sinh tử đâu. Tất cả cười xòa. Đấy, chúng tôi được điều ấy. Được những niềm vui tưởng rất bé nhỏ nhưng cũng không dễ có được trong cuộc đời lớn rộng này.

Cảm ơn những tấm tình đồng bào đã nuôi dưỡng “Cơm có thịt” đi trọn vẹn hành trình 10 năm và sẽ còn tiếp tục.

Hà Nội 7/1/2022

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.