Làm phim với ông Tuấn 'Cơm có thịt'

Nhà báo Trần Đăng Tuấn với trẻ em vùng cao mà ông và cộng sự mang cho cái ăn, cái mặc Ảnh: Phạm Ngọc Tiến
Nhà báo Trần Đăng Tuấn với trẻ em vùng cao mà ông và cộng sự mang cho cái ăn, cái mặc Ảnh: Phạm Ngọc Tiến
TP - Vâng, ông Tuấn “Cơm có thịt” chính là nhà báo Trần Đăng Tuấn.Tại sao lại gọi là ông Tuấn “Cơm có thịt”? Rất đơn giản, ngót nghét chục năm nay cái tên ngồ ngộ đáng yêu này gắn liền với danh xưng của ông.

Mà là do mọi người trìu mến gọi thế. Nguyên do ông chính là người khởi xướng, sáng lập ra chương trình “Cơm có thịt” tiền thân của Quỹ “Trò nghèo vùng cao” chuyên đi tài trợ bát cơm, miếng thịt, áo ấm, thiết bị sinh hoạt, học tập và xây trường lớp ở các tỉnh miền núi giúp trẻ vùng cao, vùng sâu vùng xa còn gặp khó khăn có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn. Nói về chuyện “Cơm có thịt” thật sự không duy tâm nhưng tôi tin là trên đời luôn có những cái duyên để chọn đúng người vào những công việc cụ thể.Chuyện làm phim với ông Tuấn cũng thế. Hoàn toàn là nhân duyên, chuyện nói sau.

Gần chục năm trước, khi đó ông Trần Đăng Tuấn đang đương nhiệm Phó Tổng giám đốc VTV và là thủ trưởng trực tiếp của tôi. Hôm ấy ngày nghỉ, ông gọi điện rủ tôi đi chơi ở Suối Giàng, Yên Bái xem cây chè cổ thụ. Bận nên tôi thoái thác. Đêm ấy, tôi nhận được bài viết ghi lại cảm xúc của ông khi đi Suối Giàng. Bài viết khá dài có tên là “Hôm nay đi Suối Giàng”.

Tôi đọc và hoàn toàn bất ngờ trong một trạng thái xúc động tột độ. Không có cây chè cổ thụ nào cả, ông Tuấn vô tình gặp một lớp học của các cháu tiểu học. Chứng kiến bữa ăn trưa của các cháu chỉ có chút canh rau nấu với muối ông đã bỏ ý định đi xem cây chè cổ thụ mà cất công tìm hiểu tại sao bữa ăn của học sinh lại kham khổ thiếu thốn đến thế. Khi hiểu ra vấn đề các cháu đi học không có chế độ trợ cấp vì gần nhà nên phụ huynh đóng góp rau, gạo, củi lửa thế nào học sinh ăn như thế. Đồng bào dân tộc miền núi còn nghèo lo đủ gạo rau đã là cố gắng. Vốn là người giàu lòng trắc ẩn ông vạch ra rất nhanh bài toán lo bữa ăn cho các cháu ở lớp học Suối Giàng có miếng thịt thêm thắt. Ông đưa ra trong bài viết một kế hoạch cụ thể để giúp các cháu.Nhóm bạn chúng tôi sẽ cùng nhau đóng góp mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng lo cho bữa cơm trưa và nếu cả bữa tối là 18 triệu đồng.Tất nhiên chúng tôi đồng ý cùng ông làm chuyện này. Đêm ấy đọc xong tôi trăn trở suy nghĩ. Trong một hành động bột phát vì xúc động trước những gì ông Tuấn thể hiện trong bài viết, tôi đã đưa bài lên mạng và nhờ lập cho ông một cái blog.

Bài viết đăng lên nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều người. Rất đông ý kiến đề nghị ông Tuấn đứng ra dùng tài khoản cá nhân để mọi người gửi tiền ủng hộ. Làn sóng ủng hộ đông đảo khiến ông Tuấn không còn cách nào khác buộc phải nhận lời. Chỉ ngay tuần lễ đầu tiên con số ủng hộ đã là hàng trăm triệu đồng. Cứ thế chương trình “Cơm có thịt” nhân rộng ra tất nhiên không chỉ Suối Giàng mà là hàng trăm trường học ở các địa phương khác nữa được thụ hưởng. Khi chương trình đã lan rộng thì Quỹ “Trò nghèo vùng cao” được chính phủ cấp phép hoạt động cho đến tận hôm nay và Quỹ hoạt động rất hiệu quả. Đấy cái nhân duyên tôi nói đến ở trên chính là như thế.Sau này khi ông Trần Đăng Tuấn nghỉ hưu ông dành nhiều thời gian chuyên tâm vào hoạt động của Quỹ với chức danh chủ tịch.

Chuyện làm phim với nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng là một nhân duyên vô cùng kỳ lạ. Tôi và ông Trần Đăng Tuấn cùng đạo diễn NSND Trịnh Lê Văn là những đồng nghiệp ở VTV. Chúng tôi là những người bạn thân từng nhiều năm gắn bó. Đận ấy ông Tuấn và Trịnh Lê Văn rủ nhau đạp xe xuyên Việt từ Hà Nội vào Cà Mau. Hai người dừng nghỉ ở thành phố Vinh và gặp gỡ giao lưu với các đồng nghiệp ở Đài PT&TH Nghệ An (NTV). Chẳng biết họ giới thiệu trao đổi những gì nhưng ngay hôm sau tôi nhận được lời mời vào Vinh để thương thảo, chuẩn bị cho một kịch bản phim truyện dài tập.

Là một biên kịch từng viết khá nhiều kịch bản phim truyện truyền hình thú thật tôi rất ngại những dạng phim đặt hàng. Nó bó buộc khả năng sáng tạo của tác giả vì phải tuân thủ những yêu cầu của nhà sản xuất. Lần này cũng vậy, chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao về cái ý định sản xuất phim truyện của đài tỉnh Nghệ An, nơi chắc chắn là chưa bao giờ sản xuất phim truyện nhưng phần vì tò mò phần vì nể hai người bạn thân nên tôi bay vào. Định bụng thôi thì được đâu hay đấy không làm kịch bản được chí ít cũng có chuyến tiễn hai phượt thủ tiếp tục hành trình.

Tối ấy 4/11/2019, tôi nhớ vì đó là buổi phát sóng đầu tiên phim “Sinh tử” trên VTV1, bộ phim tôi là tác giả kịch bản. Cuộc gặp thân mật và ấm áp. Hóa ra Nghệ An đang chuẩn bị một dự án sản xuất bộ phim truyện truyền hình đầu tiên của tỉnh. Chủ đầu tư là doanh nhân Nguyễn Như Ý, Tổng giám đốc công ty Synot Asean và đại diện nhà sản xuất NTV, nhà báo Nguyễn Như Khôi, Giám đốc Đài PT&TH Nghệ An. Tất nhiên có hai người bạn của tôi nữa, chính họ là người đề xuất để NTV mời tôi. Khi phía nhà sản xuất và chủ đầu tư đặt vấn đề tôi chấp bút cho kịch bản của dự án phim của họ tôi đã rất phân vân. Lý do tôi đã nói ở trên nhưng khi biết ý định đây sẽ là một dự án phim về vùng đất Nghệ An và sử dụng ngôn ngữ Nghệ và điều này mới quan trọng, đề tài mở cho tác giả lựa chọn miễn là phù hợp với tiêu chí của nhà sản xuất thì tôi thấy sự hấp dẫn của dự án. Lúc ấy tự nhiên tôi nghĩ đến câu chuyện bi thương mới xảy ra vài tháng trước là tai nạn tử vong của 39 người trên chiếc container định mệnh ở nước Anh xa xôi. Họ là những người dân ở vùng đất miền Trung vì mưu sinh phải dấn thân xứ người. Một kịch bản về mưu sinh của người dân xứ Nghệ. Ý nghĩ ấy đến rất nhanh và mọi người lập tức chấp nhận. Tôi nhận lời làm kịch bản với điều kiện ông Trần Đăng Tuấn là đồng biên kịch.

Hơn hai chục năm làm việc và cùng đi núi với nhau làm chương trình “Cơm có thịt” tôi quá hiểu ông Trần Đăng Tuấn. Đó là một nhà báo được đào tạo bài bản bằng con đường Tây học và tận tâm với nghề truyền hình bằng một tình yêu lớn lao. Thêm điều này, không ít năm ông trực tiếp lãnh đạo việc làm phim ở cơ quan tôi là Trung tâm Sản xuất Phim TH (VFC) của đài VTV nên thấu hiểu công việc làm phim nhất là khâu kịch bản. Hơn thế, tôi biết ông Tuấn là người vừa có trình độ vừa trắc ẩn, nhân văn rất phù hợp với vai trò biên kịch ở dự án phim này. Thật may mắn là sau nhiều đắn đo ông Trần Đăng Tuấn đã nhận lời.

Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc khi chuyến xuyên Việt của ông Tuấn kết thúc. Để viết được kịch bản này, nhóm tác giả ngoài việc khảo cứu tài liệu phải đi thực tế khảo sát một số vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Chúng tôi dành nhiều thời gian gặp gỡ những người từng đi lao động ở nước ngoài. Thú thật, lúc mời ông Tuấn tham gia tôi cũng có đôi chút băn khoăn vì nghề biên kịch thuần túy là công việc sáng tác cần nhiều yếu tố ngoài trình độ, khả năng chữ nghĩa. Với một người thuần làm công việc quản lý dù được đào tạo bài bản không biết ông Trần Đăng Tuấn có phù hợp không. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã thật sự ngạc nhiên và khâm phục về sự thích ứng nhanh nhạy của ông. Nói không quá lời, ông Tuấn dù lần đầu sáng tác kịch bản nhưng những gì ông thể hiện thật sự là một biên kịch chuyên nghiệp. Có vẻ như câu chuyện về mưu sinh của người dân xứ Nghệ đặc biệt là mảng lao động nước ngoài đã cuốn hút khiến ông nhập thần. 43 tập kịch bản được ông lên đề cương chi tiết và viết rất nhanh. Dù là đồng biên kịch nhưng hầu như mọi ý tưởng đến khâu viết thoại đều do ông chấp bút thực hiện khiến thằng tôi nhàn nhã như thể chỉ ở vai trò biên tập.

Làm phim với ông Tuấn 'Cơm có thịt' ảnh 1 Ảnh: Phạm Ngọc Tiến

Có điều này, những trang viết của ông Tuấn khiến tôi rơi nước mắt ở những thân phận người trong công cuộc mưu sinh. Một kịch bản lần đầu tiên tôi tham gia khiến tôi cuốn hút trong từng trang viết với sự xúc động chưa từng. Tôi không hề chủ quan khi đánh giá đó là một kịch bản hay và nếu công việc suôn sẻ đây sẽ là một bộ phim chất lượng thu hút được khan giả. Và tôi hiểu tại sao những gì ông Tuấn làm từ công việc truyền hình đến chương trình “Cơm có thịt” và những bài báo ông viết xưa nay đến những trang kịch bản này đều thấm đẫm một tình yêu con người với những gì nhân văn nhất. Tên kịch bản là “Sẽ lành những ngày đau”. Tôi không mấy thích cái tên này nhưng tôi tôn trọng vì biết đó là những trăn trở gan ruột của ông Trần Đăng Tuấn. Vâng, những ngày đau sẽ lành.Nhất định thế.

Đã nhiều lần muốn viết chân dung ông Trần Đăng Tuấn nhưng ông đều ngăn cản không cho phép. Viết ít dòng về chuyện làm phim này tôi cứ ám ảnh mãi về ánh mắt của ông lấp lánh sáng bừng khi nhìn thấy đám trẻ con miền núi. Đó chỉ có thể là niềm vui chia sẻ con người nhất của một người tràn năng lượng yêu thương.

Hà Nội 6/1/2021

PNT

MỚI - NÓNG