Kiểm điểm nhiều cán bộ
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nhận xét công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường bước đầu đã có chuyển biến tích cực với nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tình trạng tái lấn chiếm đang diễn ra nhiều nơi với nhiều mức độ khác nhau.
“Nơi nào cán bộ quyết tâm cao, tình hình chuyển biến rất rõ nét. Chỗ nào cán bộ không tử tế, không lương tâm nghề nghiệp thì ít chuyển biến. Tôi đã nhắc lãnh đạo một số quận chấn chỉnh nội bộ về chuyện giao vỉa hè cho các tổ chức đoàn thể giữ xe nhưng sau đó lại khoán cho tư nhân, tạo dư luận không tốt”, ông Khoa cho biết.
Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết lãnh đạo quận đang kiểm điểm trách nhiệm Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 và một phó chủ tịch phường sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời giám sát việc các bãi giữ xe tái chiếm vỉa hè và kiểm tra tính pháp lý để thu hồi giấy phép đã cấp.
Trên địa bàn quận 1 có 134 tuyến đường thì còn 116 tuyến xảy ra tình trạng tái chiếm và chỉ cơ bản đảm bảo trật tự trong thời gian cao điểm. 8 tuyến đường đang là điểm nóng là Lê Thị Hồng Gấm, Camette, Nguyễn Thái Học, Hoàng Sa, Cống Quỳnh, Phạm Viết Chánh dù đã “làm đi, làm lại” nhiều lần.
Người đứng đầu UBND quận 1 cho biết không chỉ ra quân lập lại trật tự, quận 1 đang tập trung tuyên truyền vận động, tổ chức lại công ăn việc làm cho các hộ nghèo đang mưu sinh trên vỉa hè. Có gần 3.000 vật dụng trên vỉa hè người dân tự giác tháo dỡ, cao gấp 5 lần so với số trường hợp phải cưỡng chế.
“Hầu hết các tuyến đường chưa chuyển hoá hoặc tái lấn chiếm trở lại, số đông là bà con từ nơi khác đến kinh doanh. UBND quận đã gửi văn bản cho 21 quận huyện đề nghị cùng phối hợp giải quyết cho số bà con đến quận 1 sinh nhai”, ông Thuận nói.
Phó Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường kiến nghị rút giấy phép các bãi giữ xe trên vỉa hè xếp xe choán hết lối đi, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Không đánh trống bỏ dùi
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý: “Trong thời gian vừa qua, người dân nhắn tin cho tôi rất nhiều. Người dân rất kỳ vọng việc xây dựng văn minh đô thị. Văn minh đô thị không cao siêu, phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất như lấn chiếm vỉa hè, vứt rác ngoài đường… Cái nhỏ không xong, làm sao làm cái lớn?”.
“Phải biểu dương, khen thưởng kịp thời những người tích cực và xử lý nghiêm khắc những trường hợp tái chiếm hay có vi phạm trong quá trình thực thi công vụ. Anh không hoàn thành nhiệm vụ, tôi mời anh làm việc khác. Người dân đang cần những cán bộ nói phải đi đôi với làm. Bây giờ phải bắt tay vào làm, không nói khơi khơi nữa. Phải làm đến nơi đến chốn, nếu không sẽ mất uy tín với người dân. Tôi và các đồng chí phải cam kết kiên trì đeo bám, làm đến nơi đến chốn”, ông Phong nói.
Người đứng đầu UBND TPHCM yêu cầu các quận huyện có phương án sắp xếp lại vỉa hè. Các hộ kinh doanh phải ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè. Các trường hợp vỉa hè đã kẻ vạch nhưng vẫn cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Các quận huyện đối chiếu với điều kiện cụ thể để thực hiện các giải pháp phù hợp với mục tiêu chung là dọn dẹp vỉa hè thông thoáng, đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý: Vỉa hè không phải là nơi xoá đói giảm nghèo nhưng chúng ta cũng từ cuộc sống khó khăn mà vươn lên, cần hết sức chia sẻ với bà con. Một tủ thuốc, xe bánh mì, gánh xôi, ngày bán 1-2 tiếng thôi bà con có thể nuôi cả gia đình, cho con cái học hành. Nếu không nhìn thấu đáo thì công tác này giống như đá thả ao bèo.
“Biện pháp của chính quyền cần phải căn cơ, nhìn thấy tất cả vấn đề, không chỉ bằng biện pháp hành chính. Dân cần những giải pháp như vậy. Cửa hàng buôn bán không có bãi giữ xe, khách vào phải đỗ xe trước quán. Mình phải tính toán như thế nào, tổ chức cho đỗ xe một phần, một phần vỉa hè cho người đi bộ. Phải có giải pháp chia sẻ, như vậy mới căn cơ”, ông Phong nói.