Nhiều ngày qua, một số hộ dân quá khích ném đất đá vào khu vực nhà máy thép Thái Bình Dương để phản ứng. Đỉnh điểm, tối 23-3, hàng trăm hộ dân Vân Dương 2, 3 kéo đến trước trụ sở Cty Thép Thái Bình Dương và Dana -Ý để đòi gặp lãnh đạo, yêu cầu có các biện pháp hạn chế ô nhiễm, đảm bảo sinh hoạt cho người dân. Chỉ đến khi lãnh đạo các công ty cam kết tạm ngưng hoạt động, các hộ dân mới kéo về.
Theo các hộ dân: Việc hai nhà máy thép Thái Bình Dương, và Dana -Y (KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) ngay sát khu dân cư, nhiều năm nay đã gây ô nhiễm, tiếng ồn kéo dài. Xả khói bụi gây tiếng ồn, làm dân mất ăn mất ngủ.
Theo ông Nguyễn An - Tổng GĐ Cty Thép Thái Bình Dương, đối với các ngành công nghiệp nặng sản xuất thép, việc gây tiếng ồn, khói bụi là khó tránh khỏi.
Cty đầu tư nâng cấp máy móc để hạn chế tình trạng trên. Riêng công tác đền bù, giải tỏa phía công ty đã có quyết định chi gần 25 tỷ đồng để áp giá đền bù cho các hộ dân.
Còn việc di dời do ngành chức năng, địa phương thực hiện. “Chúng tôi được quy hoạch, bố trí về đây chứ biết trước sẽ ảnh hưởng đến người dân như hiện nay, chắc chắn Cty không mạnh đầu tư như hiện nay” - ông An nói thêm.
Theo ông Lê Văn Hùng Vương, Bí thư xã Hòa Liên: việc người dân có các hành động tự phát kéo đến các công ty để phản ứng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, qua đó các công ty thép cần có các biện pháp để yên lòng dân.
Xã đề nghị 2 công ty này hoạt động theo năng lực xử lý khí thải, ô nhiễm của mình, không vì lợi ích riêng của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
Ông Nguyễn Thương, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết: thống kê có 257 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của hai nhà máy thép trên. Đến nay đã có 232 hộ được kiểm định, còn lại do chủ hộ không phải người địa phương nên chưa liên hệ được.
Các hộ có nhu cầu di dời đến nơi ở mới chờ tái định cư, huyện sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà, bắt đầu nhận danh sách từ 26-3 và phát tiền hỗ trợ một ngày sau đó.