Các nữ cảnh binh của IS. Ảnh: Getty Images
Đơn vị Al-Khansa gồm khoảng 60 phụ nữ tuổi từ 18 đến 24, có nhiệm vụ tuần tiễu khắp thành trì của IS tại Syria. Công việc của họ là bắt giữ, đánh đập những phụ nữ phạm luật như để lộ mắt cá chân hoặc cổ tay cho người khác trông thấy hoặc bị bắt gặp không có đàn ông đi cùng.
“Đó là một dạng cảnh sát đạo đức nhằm tăng cường luật lệ Hồi giáo hà khắc đối với phụ nữ. Đây cũng là một phần chiến dịch truyền thông xã hội của IS và chúng đang nỗ lực rao giảng”, ông Dan O’Shea làm việc cho hãng an ninh quốc tế GROM Technologies ở Mỹ, nói.
Theo ông O’Shea, các nữ cảnh sát IS bị hấp dẫn bởi khoản lương tháng 200 USD, cũng như nhận được thực phẩm, nơi ở, huấn luyện sử dụng vũ khí cơ bản và lời hứa hẹn về các phần thưởng tinh thần. Thành lập hồi tháng 2, đơn vị nữ cảnh sát của IS được đặt theo tên của nữ thi sĩ Ảrập Al-Khansa, sống cùng thời với nhà tiên tri Mohammed.
Gần đây, Al-Khansa mở rộng vai trò giám sát các nhà thổ, nơi hàng ngàn phụ nữ Yazidi bị bắt cóc bị cưỡng ép phục vụ các chiến binh thánh chiến IS. Họ cũng tham gia canh gác tại các chốt quân sự. Nhiệm vụ của các nữ cảnh sát IS là bắt giữ những kẻ cải trang phụ nữ để thâm nhập.
Một quan chức của IS tại Raqqa, Abu Ahma, nói rằng, Al-Khansa được thành lập nhằm “nâng cao nhận thức về tôn giáo của chúng tôi về phụ nữ và trừng phạt những phụ nữ không chịu tuân theo giới luật”. Ahma nói: “Thánh chiến không phải chỉ là nghĩa vụ của đàn ông”.
Ông Kamal Nawash, người sáng lập Liên minh Hồi giáo Tự do chủ trương thúc đẩy hiện đại hóa Hồi giáo, nói: “Trong lịch sử Hồi giáo, phụ nữ từng cầm vũ khí, thậm chí lãnh đạo quân đội từ thế kỷ 7. Việc gia tăng số phụ nữ chiến đấu chống IS như phụ nữ người Kurd khiến IS cũng sử dụng phụ nữ trong chiến đấu. Việc sử dụng phụ nữ sẽ tăng lên khi số chiến binh nam tăng lên”.
Ông Robert Young Pelton, nhà báo, nhà làm phim tài liệu người Canada từng có mặt tại các vùng chiến sự trên khắp thế giới, nhận định, các thành viên Al-Khansa còn hỗ trợ gây quỹ, buôn lậu vũ khí và thu thập tin tức tình báo.
Tuy nhiên, ông cho rằng, các phụ nữ này không được đối xử tốt và không được xem thuộc về phong trào thánh chiến. “Phụ nữ hầu như ở trại tị nạn hơn là ngoài mặt trận và không phải một phần của bất cứ cuộc cách mạng Hồi giáo nào. Phần lớn họ là nạn nhân, cả về thể chất và văn hóa”, ông Pelton nói.