Đòi nợ quá tay, phạm ngay tội cướp

Nguyễn Phương Nam và Trần Nhựt Nhân tại tòa.
Nguyễn Phương Nam và Trần Nhựt Nhân tại tòa.
TP - Quan hệ dân sự đã biến thành quan hệ hình sự khi họ dùng vũ lực để ép người khác trả nợ cho mình thậm chí lấy đi hàng hóa nhằm “đảm bảo khoản vay” mà không biết hành động của mình đã phạm tội…

“Bao giờ con em biết mặt cha”

Ngày 10/5, có 2 người phụ nữ lặn lội từ Nam ra Bắc tham dự phiên xét xử các ông chồng mình ở TAND TP Hà Nội. Thấy chồng vừa bước ra từ chiếc xe thùng kín bưng, họ đứng phắt dậy nhưng chỉ kịp thốt lên: “Anh ơi”, rồi gục xuống ghế. Chồng họ là Nguyễn Phương Nam (SN 1991, ở Đồng Tháp) và Trần Nhựt Nhân (SN 1978, ở TPHCM), hôm đó phải hầu tòa về tội cướp tài sản. Trong đó, Nhân từng bị TAND TPHCM phạt tù chung thân về tội hiếp dâm trẻ em và mới ra tù năm 2014.

Sự việc bắt đầu từ năm 2015, khi Nam cùng Phan Xuân Phương (SN 1989) mở một cửa hàng kinh doanh ở TPHCM. Làm ăn thua lỗ, cả hai tách riêng nhưng Phương còn nợ Nam 190 triệu đồng nên thống nhất sẽ trả nợ dần, mỗi tháng 5 triệu đồng. Sau đó, Phương chuyển ra Hà Nội làm thuê tại cửa hàng kinh doanh máy tính ở quận Thanh Xuân. Biết việc, Nam tức tối vì cho rằng Phương có ý định trốn, liền rủ Nhân đi tìm để đòi nợ.

Ngày 29/5/2016, Nhân và Nam đến cửa hàng máy tính nơi Phương làm việc rồi khống chế, lấy toàn bộ máy tính và linh kiện của cửa hàng cùng tiền mặt, tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Chiếm được số tài sản này, Nam thuê xe ba bánh chở về nhà một người bạn, đồng thời khoá cửa, nhốt Phương và một nữ nhân viên trong đó. Biết việc, chủ cửa hàng gọi điện cho Nam nói sẽ cho Phương vay 150 triệu đồng để trả nợ còn Nam phải trả toàn bộ số hàng. Hai bên hẹn gặp nhau tại một quán nước nhưng đang thỏa thuận thì bị công an mời về trụ sở làm việc. Nam và Nhân bị truy tố về tội cướp tài sản, khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.

Ngày diễn ra phiên xử, hai người vợ của các bị cáo không vào phòng xử mà ngồi ở hành lang với đôi mắt đỏ hoe, khóc không thành tiếng. Vợ bị cáo Nhân nói: “Anh ấy vừa ngồi tù 15 năm. Giờ lại gây ra vụ án này thì bao giờ mới được về nhà”. Vợ Nam thì mếu máo: “Con em mới được 9 tháng, nếu chồng em phải tù lâu thế thì đến bao giờ cháu mới biết mặt cha. Anh ấy bảo với em là ra Hà Nội đòi nợ vậy mà lại làm như thế để phải rơi vào hoàn cảnh này”.

Trong phòng xử, cả Nam và Nhân đều thừa nhận hành vi của mình. Nói lời sau cùng, Nam khóc: “Vì thiếu hiểu biết nên bị cáo không nghĩ được việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Không những thế, bị cáo còn mang vạ cho anh họ mình khi rủ đi đòi nợ cùng…”.

Lúc tòa nghị án, 2 bị cáo ngồi đối diện với hai người vợ chẳng nói được lời nào. Trong khi 2 người vợ chỉ khóc nấc như sợ tuột mất chồng thì 2 bị cáo cũng liên tục lấy tay lau, ngăn những giọt nước mắt chảy tràn. Mãi sau, Nam mới cất lời an ủi: “Gắng chăm sóc con, anh sẽ cải tạo tốt để sớm trở về với em và con”. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Nam và Nhân cùng mức án 9 năm tù.

Đòi nợ nhận án tù

Ngày 12/5, TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội) tuyên phạt Phạm Xuân Hải (SN 1991, ở Hà Giang) 9 năm tù, Phạm Ngọc Dũng (SN 1995, ở Phú Thọ) 7 năm 6 tháng tù và Lương Thành Phú (SN 1997, ở Thanh Hóa) 7 năm tù về các tội cướp tài sản và hủy hoại tài sản. Nghe bản án, người nhà các bị cáo gào khóc bởi quá bất ngờ khi tài sản cướp được trong vụ án chỉ vài trăm nghìn và cho rằng đây vốn là tiền của các bị cáo.

Người nhà các bị cáo cho hay cả ba đều sinh ra trong những gia đình nghèo khó và cùng làm bảo vệ tại một tòa chung cư. Khi phạm tội, Dũng vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự còn Phú là người dân tộc thiểu số, bỏ học đi làm từ nhỏ. Riêng Hải đã tốt nghiệp một trường cao đẳng ngành y và trong khi chờ việc cũng xin đi làm bảo vệ. Quê nhà Hà Giang của Hải có nhiều đặc sản nên bị cáo quyết định buôn bán qua mạng và mọi chuyện bắt đầu từ đây.

Hải từng có quan hệ yêu đương với chị Trương Thị Nhu (SN 1991) nhưng đã chia tay. Ngày 17/11/2015, chị Nhu gọi điện cho người yêu cũ đặt mua 500.000 đồng lạp xường, nhưng sau đó không trả. Hải rủ Dũng, Phú tới phòng trọ người yêu cũ đòi nợ.  Đến nơi, Dũng yêu cầu chị Nhu trả nợ nhưng bị cô gái cầm ví tiền đập vào mặt. Người bạn cùng phòng của Nhu chạy ra ngoài kêu cứu thì bị Hải túm tóc lôi ngược vào. Sau đó, hai bên xảy ra xô xát khi các cô gái cầm gậy gỗ đánh nhóm đòi nợ. Hai người cũng bị ba thanh niên dùng gậy, chổi vụt tới tấp, buộc phải đưa 600.000 đồng. Dũng còn đập vỡ một điện thoại của chị Nhu.

Hôm sau, cô gái tới công an trình báo và 3 thanh niên nhanh chóng bị bắt giữ. Nhận hung tin, bố mẹ của các bị cáo tức tốc xuống Hà Nội đưa cho chị Nhu gần 10 triệu đồng bồi thường tiền thuốc men và chiếc điện thoại bị vỡ nhưng việc này không giúp con họ thoát vòng lao lý. Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng họ chỉ đi đòi nợ, đó là tiền của Hải. Riêng Dũng khai có đập điện thoại của chị Nhu vì tức giận khi bị chị này đánh.

Sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Anh Thơm bào chữa cho bị cáo Phú cho rằng tòa tuyên án khá nặng vì các bị cáo chỉ mục đích là đòi nợ, đương nhiên cách thức đòi nợ không đúng. Phía bị hại cũng có phần lỗi không nhỏ vì không những “bùng tiền” lại chủ động đánh người đòi nợ.   

Trong phòng xử, cả Nam và Nhân đều thừa nhận hành vi của mình. Nói lời sau cùng, Nam khóc: “Vì thiếu hiểu biết nên bị cáo không nghĩ được việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Không những thế, bị cáo còn mang vạ cho anh họ mình khi rủ đi đòi nợ cùng…”

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.