> 'Cần một cơ chế khoán 10 trong giáo dục'
Để chuẩn bị cho đề án cải cách giáo dục nói trên (bởi đã có rất nhiều đề án cải cách giáo dục khác từng được đưa ra), ít nhất đã có 15 hội thảo khoa học làm cơ sở hoàn tất dự thảo đề án. Đi kèm với đề án này là một chương trình biên soạn chương trình-sách giáo khoa sau năm 2015.
Cả mười năm nay, cụm từ “đổi mới giáo dục” thường được ngành giáo dục và xã hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Một lý do đơn giản là “đổi mới nhiều mà thay đổi chẳng bao nhiêu”.Ngành giáo dục bao năm qua, nhiều đời bộ trưởng vẫn loay hoay với “ba chung”, “một riêng”, “bệnh thành tích”, “đào tạo không gắn với thực tiễn”…
Nên một đề án với cái tên to tát là đổi mới “căn bản và toàn diện” hệ thống giáo dục và đào tạo giờ khó có thể tạo ra sự chú ý, chưa nói là kỳ vọng của xã hội về một sự thay đổi mang tính bước ngoặt.
Bởi ngay lúc này đây, tức là chỉ còn ít giờ nữa là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc, những gì đang diễn ra ở các trường học vẫn quay cuồng ngột ngạt như từng bức bối suốt mấy năm qua.
Các giáo viên, như thường lệ, phải tận dụng mọi “chiến lược”, “chiến thuật”, dùng phương pháp loại suy để đoán đề thi. Học sinh, trái với không khí tà tà mọi khi vốn diễn ra trong mấy năm học phổ thông, được nhồi nhét “kiến thức” như người ta nhồi bánh đúc cho gà vịt trước khi mang ra chợ bán.
Ba năm học, bao nhiêu thứ kiến thức cần được xem là hành trang cơ bản cho một người trưởng thành bước vào đời “được” giản lược thành vài ba chiêu thức giúp “gà nhà” vượt qua cửa ải, để những bản báo cáo thành tích thêm cụm từ “năm sau cao hơn năm trước”.
Nếu nói về bản chất và mục đích cao nhất của giáo dục, sẽ có nhiều học giả đưa ra rất nhiều mỹ từ để diễn đạt và hơn ai hết, những người trong ngành giáo dục sẽ không khó khăn gì chỉ ra.
Hiểu một cách đơn giản, nền giáo dục của một quốc gia đầu tiên phải giúp trang bị những kiến thức cơ bản về mọi mặt cuộc sống cho công dân trước khi họ bước vào đời, dù có làm kỹ sư bác sỹ hay chỉ là một công nhân bình thường.
Cao hơn, giáo dục là đòn bẩy quan trọng nhất để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển quốc gia.
Vì thế, đổi mới giáo dục mà không thay đổi được tính thực chất của hoạt động giáo dục thì sự đổi mới ấy cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cho xã hội.