Đổi mới mạnh thể chế để kinh tế tư nhân phát triển

Dây chuyền sản xuất của công ty Bắc Việt khu công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dây chuyền sản xuất của công ty Bắc Việt khu công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trò chuyện với PV Tiền Phong về những nội dung mà Thủ tướng đề cập trong bài viết: “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta”, nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng tình cao với những giải pháp về đổi mới thể chế, nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần sớm có giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao sức cạnh tranh.

GS.TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương: Không đổi mới, doanh nghiệp khó có “sức” để cạnh tranh

Đổi mới mạnh thể chế để kinh tế tư nhân phát triển ảnh 1

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh quyết liệt, nếu chúng ta không dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ để rồi vẫn duy trì một thể chế bất cập, kém cạnh tranh so với các nước thì chúng ta sẽ bị thua thiệt, tụt lại.

Thực tế trong 30 năm qua cho thấy, chúng ta mới chỉ tập trung đổi mới về kinh tế, đổi mới về hành chính, chính trị thì còn chậm. Do đó, bây giờ phải đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cả về thể chế kinh tế lẫn thể chế hành chính, chính trị. Tuy nhiên, muốn đổi mới được thể chế thì phải có những con người biết đổi mới và dám đổi mới.

Điều thứ hai là phải xây dựng các thể chế về kinh tế để phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế tư nhân. Đại hội Đảng toàn quốc vừa rồi đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, đó là bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới chúng ta thấy, các quốc gia đều xác định doanh nghiệp tư nhân là chủ lực của nền kinh tế. Ta mới chỉ xem là “động lực quan trọng” thì chưa đủ để cạnh tranh với “chủ lực” của họ. Do đó, ngay từ bây giờ phải có giải pháp, chính sách đổi mới mạnh mẽ để đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Nếu chúng ta không đổi mới thì sẽ thua thiệt và thất bại.

Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên ủy ban kinh tế của Quốc hội: Doanh nghiệp phải xây dựng được tầm nhìn phù hợp

Đổi mới mạnh thể chế để kinh tế tư nhân phát triển ảnh 2

Khi Việt Nam gia nhập TPP, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải nâng cao được năng lực cạnh tranh. Đối với những ngành nghề đã có lợi thế như may mặc, da giày, thủy sản... phải phát huy được tối đa. Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam đã có tầm nhìn trung và dài hạn nên họ đã có sự chuẩn bị rồi. Mặt khác, doanh nghiệp Việt dường như đã quen với cơ chế hội nhập khi Việt Nam đã gia nhập WTO từ năm 2007...

Để có được thành công, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ những nội dung, cam kết TPP, xây dựng cho mình tầm nhìn, sách lược mang tính chất đối phó với hiện tại. Tức là doanh nghiệp phải có chi phí cho đầu tư chất xám, nghiên cứu và phát triển. Đồng thời phải tái cơ cấu lại chính doanh nghiệp của mình, tổ chức tinh gọn, hiệu quả. Ngay bản thân lãnh đạo các địa phương cũng cần phải có hỗ trợ nhất định bằng những hành động cụ thể cho các doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp đứng vững và phát triển sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho địa phương.

Đại biểu Quốc hội, TS Trần Du Lịch: Cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh

Đổi mới mạnh thể chế để kinh tế tư nhân phát triển ảnh 3

TPP đòi hỏi tự do thương mại cao khiến chúng ta phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. TPP mang lại cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng rất nhiều. Do đó, chúng ta phải tiếp tục đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi chiến lược sản phẩm, thị trường. Để đạt được kết quả cao, phải công bố chi tiết về những thách thức và cơ hội cũng như chi tiết nội dung mà chúng ta đã ký kết để doanh nghiệp hiểu được đâu là cơ hội, đâu là thách thức khi gia nhập TPP. Bên cạnh đó, phải xem lại toàn bộ khung pháp luật hiện nay để cải thiện tốt môi trường đầu tư. Rồi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cũng phải thay đổi giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Tôi khẳng định khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất. Khi gia nhập WTO, nhiều người cũng lo lắng chúng ta không cạnh tranh nổi, nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn nhiều.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Thay tư duy sang hỗ trợ doanh nghiệp

Đổi mới mạnh thể chế để kinh tế tư nhân phát triển ảnh 4

Năm 2016, Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng đó cần tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng, loại bỏ những khoản “phí bôi trơn”, “phí xin cho” thì doanh nghiệp mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Theo thống kê, có tới 70% kim ngạch xuất khẩu là do các công ty có vốn nước ngoài nắm giữ. Chúng ta chưa có sản phẩm nào thực sự có ưu thế để xuất khẩu. Nguy cơ đối mặt hàng hóa ở các nước tràn ngập và thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng thu hẹp là thực tế.  

Để hội nhập, từ năm nay, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp trong nước phát triển được nội lực của mình. Trong đó cần ban hành những chính sách hướng tới những lĩnh vực và các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang còn yếu. Làm được điều này, khối doanh nghiệp mới có thể hội nhập, giữ vững thị trường nội địa, không còn cảnh đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Việt Nam muốn phát triển, ngay từ năm nay phải tìm cách thoát khỏi tình trạng 70% kim ngạch xuất khẩu nằm trong tay khối doanh nghiệp FDI. Để tình trạng này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền kinh tế đất nước.

Làm sao để nền kinh tế có thể tự lực tự cường khi chúng ta không có thế mạnh gì đặc biệt? Trước hết, cần nghiên cứu xây dựng các chính sách đang được áp dụng hiệu quả ở các nước để áp dụng tại nước ta. Như ở Mỹ, họ có một đơn vị chuyên trách như một tổng cục chuyên về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quốc hội Mỹ cũng có một đạo luật về phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa với những điều khoản hỗ trợ doanh nghiệp rất chi tiết, từ việc cho ưu tiên tham gia các dự án, chính sách tài khóa đến cung ứng vật tư cho Chính phủ. Họ cũng lập một đội tư vấn riêng cho khối doanh nghiệp trên bao gồm các cựu lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.

Cải tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là việc cấp thiết hiện nay. Chúng ta xác định hiền tài là nguyên khí quốc gia nhưng mấy chục năm qua vẫn không làm được điều này. Sinh viên tốt nghiệp đại học nhiều người ra trường không có việc làm, phải chấp nhận đi làm công nhân tại các doanh nghiệp FDI với mức lương rẻ mạt vài triệu đồng/tháng. Đây là sự lãng phí lớn.

Giờ chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xây dựng mới các chính sách hỗ trợ cho việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới và đây phải coi là một cách đầu tư cho phát triển đất nước. Chúng ta đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế theo hướng hiện đại đến 2020, nhưng cần làm rõ các tiêu chí cũng như đầu mục, phương tiện thực hiện cụ thể. Ngoài ra, cần xác định rõ vai trò của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế.

Thời gian tới, Chính phủ cần có sự thay đổi lớn về tư duy của đội ngũ xây dựng chính sách tại các cơ quan quản lý, không để xảy ra các trường hợp văn bản chính sách tạo rào cản cho doanh nghiệp.

Xin-cho dường như đang là một căn bệnh đặc thù ở Việt Nam. Điều này rất nguy hiểm cho đất nước. Hiện ở các bộ ngành hay ngay cả ở các cơ quan hành chính cấp phường vẫn còn những rào cản có thể liên quan đến tiêu cực, xin cho. Chừng nào tình trạng chạy chỗ, chạy suất làm công chức để được hưởng vài triệu đồng tiền lương/tháng với chi phí hàng trăm triệu đồng chưa được dẹp bỏ thì nền kinh tế chưa thể cất cánh.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Cần có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đổi mới mạnh thể chế để kinh tế tư nhân phát triển ảnh 5

Phần lớn doanh nghiệp (DN) Việt Nam có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nên cần có Luật hỗ trợ đối tượng này khi hội nhập. Khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như TPP, DN Việt Nam phải thực sự chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng với các đối tác trên thế giới. Do vậy, DN phải nắm vững được thông tin về các FTA, phân tích cẩn trọng, kỹ lưỡng ảnh hưởng của các FTA đến ngành nghề, lĩnh vực của mình, từ đó đưa ra hành động tích cực, có tầm nhìn.

Tuy nhiên, khoảng 96% số DN Việt Nam hiện có quy mô nhỏ, siêu nhỏ; chỉ 2% DN cỡ lớn và 2% DN cỡ vừa. “Có 2% số DN cỡ lớn là điều dễ hiểu, vì chúng ta tích tụ thành DN lớn, vươn ra thế giới cần nhiều thời gian. Đây là vấn đề lớn của nền kinh tế. Thời gian qua, DN vừa và nhỏ nước ta không lớn lên được, cả về quy mô cả vốn, lao động… thậm chí đang nhỏ đi”- ông Lộc lo ngại.

Phần nhiều DN nhỏ và vừa hiện đang rất khó khăn, trong khi FTA là cuộc cạnh tranh sòng phẳng. Do vậy, ngoài tạo môi trường, thể chế để các DN cạnh tranh công bằng, Nhà nước cần xây dựng chương trình hỗ trợ các DN vừa và nhỏ. Ông Lộc nói: “Bất kể quốc gia nào ra sân chơi lớn, cũng có chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ, để họ tiếp cận được vốn, thị trường, quản trị… Đây là sứ mệnh của nước ta trong thời gian tới”.

Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, nhưng chưa có hệ thống bài bản và hiệu quả. Do vậy, VCCI đã đề xuất Chính phủ sớm nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ, đạo điều kiện hơn nữa cho các DN ra đời, phát triển.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.