Đổi mới đề thi Ngữ văn: Bình thường và không bình thường

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Chuyện đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014 của Bộ GD&ĐT đã và đang gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau, mặc dù chuyện đổi mới xem như đã rõ ràng và khỏi bàn cãi.

Tôi là một giáo viên dạy Văn nên hiểu được tâm trạng của những người trong cuộc (giáo viên THPT, học sinh và phụ huynh). Vì vậy khi đọc bài “Đổi mới đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2014 - chuyện bình thường” của tác giả Đào Ngọc Đệ - Giảng viên Đại học, tôi thấy cần phải trao đổi một số vấn đề.

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Xin hãy gửi ý kiến về địa chỉ email: online@tienphong.vn

Trước hết, tôi đồng ý với tác giả Đào Ngọc Đệ về vấn đề tác giả bức thư ngỏ giấu tên. Nhưng bản thân tôi vẫn nghĩ, đó là quyền của người viết và chúng ta nên tôn trọng. Vì thế chúng ta không xem đó như điều để xét nét những vấn đề mà bức thư đề cập. Tuy nhiên, tôi thật sự không đồng tình với một số vấn đề tác giả Đào Ngọc Đệ đề cập đến trong bài viết.

Thứ nhất, trong lập luận của mình, có vẻ tác giả cho rằng: giáo viên dạy văn (không thấy nói học sinh, phụ huynh) ngại (hoặc không muốn) đổi mói đề thi môn Văn. Nếu đúng tác giả có ý như thế thì hoàn toàn sai lầm.

Thực ra tất cả chúng tôi (giáo viên, học sinh, phụ huynh) đều muốn đổi mới cách ra đề Văn. Vì lợi ích của nó, chúng ta đã nói quá nhiều và tác giả nói cũng rất hay. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định rất rõ rằng, phải “đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”. Đó là điều không phải bàn cãi!

Thứ hai, tác giả viết “rất ngạc nhiên khi thấy bạn giáo viên giấu tên và nhiều giáo viên cho rằng: Việc đổi mới đề thi Văn phải có lộ trình!” Và rằng: “Tôi thấy các bạn không “thực tế’ chút nào”. Điều này khiến tôi thật sự ngạc nhiên.

Có thể tác giả hiểu sai từ “lộ trình” chăng? Ở đây, tôi phải nói lại một lần nữa là chúng tôi không phản đối việc đổi mới đề thi Văn; thậm chí, chúng tôi còn nhiệt thành ủng hộ. Vấn đề ở chỗ: Bộ GD&ĐT đã “giáng một cú bất ngờ”(chữ dùng của tác giả giấu tên) vào “phút thứ 89 ”khiến thầy trò chúng tôi lúng túng, hoang mang.

Tác giả cho rằng: “lộ trình” của việc đổi mới ra đề thi môn Văn đã có từ lâu rồi đấy chứ!” Và rằng: “cái “lộ trình” ấy, đã nằm ngay trong chương trình, SGK và cả sách hướng dẫn mà các bạn đã và đang có trong tay”, là rất không thực tế. Bởi vì nó đã bao giờ thực hiện đâu (tôi nhấn mạnh) mà gọi là “lộ trình” cơ chứ!

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói đại ý rằng: Chủ trương này đã được Bộ quán triệt từ đầu năm học trong Công văn hướng dẫn thực hiện năm học của Bộ. Nghĩa là cũng có “lộ trình” rồi đấy chứ!

Thực ra, trong Công văn đó chỉ hướng dẫn một cách hết sức chung chung. Vì thế, thầy trò chúng tôi đình ninh rằng mọi chuyện vẫn như cũ; nghĩa là cấu trúc đề (phải nói là ma trận mới đúng ý Bộ!) vẫn như mọi năm, không có gì thay đổi.

Vì vậy, tác giả bức thư ngỏ và một số giáo viên (và cả học sinh, phụ huynh nữa thưa tác giả Đào Ngọc Đệ) đòi hỏi “có lộ trình” là hoàn toàn thực tế và hợp lí.

Có chăng tác giả Đào Ngọc Đệ thiếu thực tế! Vì có lẽ lâu rồi tác giả không theo sát “thực tế” giáo dục bậc THPT. Bằng chứng là, tác giả không biết năm 2014 Bộ giảm thời gian thi tốt nghiệp THPT 2 môn Văn, Toán từ 150 phút xuống còn 120 phút, chứ không phải từ 180 phút xuống 150 như tác giả viết!

Chuyện đổi mới đề thi Văn của Bộ cần phải có lộ trình là một yêu cầu hết sức thực tế. Do đó, khi chưa “có lộ trình” thì một chuyện bình thường mới trở thành chuyện không bình đấy thưa tác giả Đào Ngọc Đệ!

Thứ ba, từ bàn về chuyện đổi mới đề thi Văn, tác giả bàn luôn chuyện yếu kém của môn Văn và đĩnh đạc kết luận: “sự yếu kém chất lượng môn Văn trước hết và chủ yếu là lỗi của các giáo viên Văn!”

Tôi không hiểu“sự yếu kém của môn Văn” được tác giả xét trên những tiêu chí nào nhưng kết luận như vậy quả là thiếu cơ sở khoa học và thiếu luôn cả tính thực tế.

Bàn về sự yếu kém của môn Văn là một vấn đề hóc búa. Bởi vì, nói yếu kém là phải nói cụ thể chứ không thể nói chung chung. Có như thế, chúng ta mới qui được trách nhiệm và có hướng khăc phục; nếu không phán rằng “sự yếu kém chất lượng môn Văn trước hết và chủ yếu là lỗi của các giáo viên Văn!” là hết sức chủ quan và sai lầm.

Thứ tư, cuối bài viết tác giả dẫn ý kiến của bạn Trần Việt: “Đổi mới thì đổi mới chứ làm sao phải lo. Công suất làm việc của giáo viên Việt Nam so với Singapore và Mỹ chưa bằng 20%. Cần phải thay đổi”; để ngầm cho rằng giáo viên Việt Nam làm việc chưa hết “công suất” thì càng thiếu thực tế.

Chắc tác giả chưa từng “đi thực tế” xem trong 1 tuần thời khoá biểu, lịch công tác của một người giáo viên THPT như thế nào; những loại hồ sơ, sổ sách mà 1 giáo viên THPT phải có là gì nên mới “trân trọng ý kiến” của bạn Trần Việt như thế?

Điều này thì Bộ GD & ĐT có vẻ đã “thực tế” hơn tác giả khi gần đây, ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT để chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường nhằm giảm lượng hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Thế mà tác giả cho rằng các bạn (giáo viên THPT) thiếu thực tế và… quá lười. Thật ra, chúng tôi ai cũng muốn làm việc “hết công suất” chứ, nhưng công suất đó phải đem lại hiệu quả trong thực tế!

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”. Quan điểm đó hoàn toàn đúng đắn , không phải bàn cãi.

Tuy nhiên, từ quan điểm, đường lối đến chỉ đạo thực hiện trong thưc tế nhiều khi là cả một koảng cách lớn. Nó đòi hỏi sự kết hợp giữa lí thuyết của các chuyên gia giáo dục với thực tiễn chỉ đạo điều hành của các cơ quan hữu quan; công tác, nhận thức của giáo viên, học sinh và của toàn xã hội một cách khoa học, nhuần nhuyễn và thực tâm.

Trong quá trình đó cần tránh lối phán xét thiếu khách quan, thiếu công tâm kiểu như tác giả bài viết “Đổi mới đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2014 - chuyện bình thường. Nếu không rất dễ bị lí thuyết “lôi kéo, che lấp” thực tế, để rồi khi nhận ra thì đã muộn.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Lưu Văn
Yên Thành, Nghệ An

Những ý kiến trao đổi quanh việc đổi mới đề thi môn Ngữ văn

> Thư ngỏ của 'một giáo viên vô danh' gửi Bộ trưởng Giáo dục

> Dạy, học, thi văn: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

> Đổi mới đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2014 – chuyện bình thường

> Trò trao đổi với Thầy về đổi mới đề thi Ngữ văn

> Đổi mới thi Ngữ văn tốt ngiệp phổ thông: Hay nhưng có hiệu quả?

> Đổi mới ra đề thi tốt nghiệp: Rùa chậm hơn Thỏ nhanh

> Bộ GD&ĐT nên đổi mới đề thi nhưng phải có lộ trình

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Xin hãy gửi ý kiến về địa chỉ email: online@tienphong.vn

MỚI - NÓNG