Đời công nhân trong 'bão' giá: Cùng nhau vượt qua hoạn nạn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giảm tiền nhà trọ, bán hàng trợ giá cho công nhân… được nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện trong thời gian qua, đã phần nào giúp công nhân, người lao động (NLĐ) vượt qua gian khó.
Đời công nhân trong 'bão' giá: Cùng nhau vượt qua hoạn nạn ảnh 1

Trong bộ đồ công nhân, anh Nguyễn Hoàng Ngải (bên trái) vui mừng vì được tặng phiếu mua sắm tại phiên chợ nghĩa tình hôm 29/4

Chủ trọ nghĩa tình

Trong cơn mưa bất chợt đầu tháng 5, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Quyên (40 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho trú nhờ. Nhìn dãy phòng trọ gần cả trăm căn nằm kế quốc lộ 1A tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, có gác lửng bên trong, chị Quyên cho biết, đã trọ hơn chục năm qua, từ lúc nơi này còn là vùng thấp trũng, hễ mưa là ngập chứ không được đẹp như bây giờ.

Chị Quyên vốn là công nhân Công ty Pouyuen (quận Bình Tân) 15 năm, nhưng từ khi sinh em bé, chị đã thất nghiệp gần 2 năm qua. “Không ai chăm con nên tôi nghỉ việc, mọi sinh hoạt gia đình đều đổ lên vai chồng (anh làm nghề bán bóp, dây nịt dạo). Cuộc sống đã khó khăn, nay càng thêm chật vật, hết tiền, tôi đành đem cuốn sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đóng 15 năm xin rút một lần. Dù biết rằng không còn BHXH thiệt đủ đường nhưng… đành chịu”, chị Quyên nói.

Buồn nhưng chị Quyên cho rằng, mình vẫn còn may mắn vì người trong xóm trọ sớm tối giúp nhau, chủ trọ còn giảm giá phòng trọ, cho mì, gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác. “Gặp chủ trọ tốt nên tôi mới ở nơi này suốt 15 năm qua. Tôi tính chờ con tròn 2 tuổi sẽ gửi trẻ, còn mình lại tìm việc để mưu sinh. Chỉ e lớn tuổi, người ta không nhận”, nữ công nhân tỏ ra lo lắng.

Trong những ngày rong ruổi qua nhiều khu trọ ở TPHCM, chúng tôi đã gặp khá nhiều khu nhà trọ mà ở đó công nhân khẳng định “có đuổi cũng không đi” bởi quý cái tình ông bà chủ”. Ông Lê Tuấn Giảng (78 tuổi) có 15 phòng trọ trên đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo) rớm nước mắt khi nhắc về những “người thân không quen: “Mình cũng tha phương tới Sài Gòn lập nghiệp, tích cóp chút tiền xây phòng trọ cho công nhân thuê. Bởi cùng là người khó khăn như mình nên tôi yêu mến, thương họ như chính người thân của mình”.

Đời công nhân trong 'bão' giá: Cùng nhau vượt qua hoạn nạn ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Quyên thất nghiệp ở nhà chăm con, mọi kinh tế đều đổ lên vai chồng

Xây phòng trọ sạch sẽ, giá rẻ, ông Hoàng Kim Hùng, chủ Khu Lưu trú văn hóa số 38 (quận Bình Tân) còn dành phần đất rộng, tạo không gian để người ở trọ có nơi sinh hoạt, vui chơi. Từ sau Tết đến nay, 30 % số phòng trọ của ông Hùng trống, bởi nhiều người bỏ về quê do gặp khó khăn vì dịch bệnh; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng trong khi thu nhập không tăng. Ngay khi biết Chính phủ có gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho người thuê trọ, ông Hùng khẳng định, luôn sẵn sàng hỗ trợ NLĐ thực hiện các giấy tờ, thủ tục cần thiết để họ sớm tiếp cận chính sách này. “Số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng sẽ là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn, góp phần khuyến khích lao động ngoại tỉnh trở lại TPHCM làm việc” - ông nói.

Không ai bị bỏ lại

Cầm xấp phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tặng để mua sắm, trong bộ đồng phục công nhân, anh Lê Hoàng Ngải (48 tuổi, quê Kiên Giang) tranh thủ giờ nghỉ trưa để chạy đến “Phiên chợ nghĩa tình” chọn mua gạo, trứng, dầu ăn, khẩu trang, nước rửa chén… “ Thời gian qua, giá cả tăng cao, trong khi đồng lương có hạn nên gia đình phải cân đối, tính toán rất nhiều mỗi khi đi chợ. Thực phẩm cũng chỉ dám mua chợ chiều vỉa hè để có giá rẻ chứ đâu dám vào cửa hàng siêu thị, nhưng hôm nay vui quá, tôi mua được nhiều đồ dùng tốt, thực phẩm ngon về cho cả nhà mà không phải quá quan tâm đến giá”, anh Ngải trần tình.

Vợ chồng anh Ngải có hơn 15 năm làm công nhân khâu ủi của Công ty may thêu Mạnh Tiến (quận 12), tổng thu nhập 2 vợ chồng tầm 20 triệu đồng/tháng. “Tiền thuê trọ, ăn uống đã hết 10 triệu; 2 triệu đồng gửi tiết kiệm phòng khi trái gió trở trời; số còn lại lo cho con ăn học. Chúng tôi trông mong được lên lương, có thêm đồng nào đỡ đồng nấy”, anh Ngải bày tỏ.

Để giúp NLĐ giảm bớt khó khăn, thời gian qua, LĐLĐ TPHCM đã tổ chức nhiều chương trình chăm lo, như tổ chức các “Điểm phúc lợi đoàn viên” tại các nhà văn hóa lao động quận huyện, trong khu nhà trọ, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công nhân còn tham gia hội thi trong chương trình “Giờ thứ 9” với những trò chơi vận động hấp dẫn; trao tặng xe đạp điện; tặng mái ấm công đoàn; thi tìm hiểu về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động…

Theo LĐLĐ TPHCM, để hỗ trợ cho công nhân, NLĐ trong thời kỳ bão giá như hiện nay, LĐLĐ đã triển khai nhiều chương trình, điển hình là tổ chức các Điểm phúc lợi đoàn viên, thường xuyên bán những mặt hàng thiết yếu với giá tốt cho NLĐ. Cụ thể, tại Điểm phúc lợi đoàn viên, đoàn viên công đoàn, NLĐ được mua hàng với giá ưu đãi 10-30% so với giá thị trường. Các doanh nghiệp (DN) sẽ chủ động phối hợp đưa các sản phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng hằng ngày như gạo, dầu ăn, nước mắm, áo quần, giày dép… đến tay NLĐ. Bên cạnh đó, DN cũng tặng phiếu mua hàng trị giá 20.000 đồng/phiếu cho đoàn viên công đoàn và NLĐ khi mua một số sản phẩm thiết yếu mang nhãn hàng của DN.

Ngày 30/4 vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đã có hướng dẫn quy trình xác nhận danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Cụ thể, đối với NLĐ đang làm việc trong DN tại khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc khu vực kinh tế trọng điểm, đủ điều kiện theo quy định sẽ được lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. “DN chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực thông tin của NLĐ trên mẫu biểu lập. Nếu lập hồ sơ không đúng đối tượng gây chậm trễ hồ sơ, ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm” – đại diện BHXH TPHCM lưu ý.

Đầu tháng 4 vừa qua, hơn 6.000 công nhân lao động đã được mua sắm hơn 200 mặt hàng thiết yếu tại “Điểm phúc lợi đoàn viên” đặt tại Nhà văn hóa lao động quận Bình Tân, giá các mặt hàng được giảm 10-45%. Gần 3.000 đoàn viên, NLĐ ở quận Bình Thạnh được LĐLĐ quận hỗ trợ chăm lo như mua hàng thiết yếu giảm giá so với giá niêm yết. LĐLĐ quận Bình Thạnh còn tổ chức trao 10 xe đạp điện (10 triệu đồng/xe) cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn không có phương tiện đi lại; 455 sổ tiết kiệm (2 triệu đồng/sổ) cho công nhân bị tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật 31% trở lên và NLĐ khó khăn; 500 phần quà (700.000 đồng/phần) cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; trao một “Mái ấm Công đoàn” trị giá hơn 50 triệu đồng…

Niềm vui “Tháng Công nhân”

Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TPHCM vừa phối hợp với 21 quận, Huyện Đoàn và Thành Đoàn TP Thủ Đức triển khai chương trình “Tiện ích tận nơi” nhằm cung cấp các thông tin về sửa chữa điện, nước, gas... tại những khu lưu trú, nhà trọ, giúp công nhân được tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm. Trung tâm cũng phối hợp với nhiều đơn vị khác tổ chức: Chương trình “Chuyến xe cuối tuần” mang chợ đến gần nhà, kết nối các đơn vị, DN cung cấp những mặt hàng nhu yếu phẩm, rau củ quả sạch đến công nhân, khu nhà trọ; Trao căn phòng mơ ước cho gia đình thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ; Chương trình “Tiếp sức người lao động” nhằm giới thiệu phòng trọ và việc làm cho thanh niên công nhân và NLĐ quay lại thành phố làm việc.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM, “Tháng Công nhân” năm nay, LĐLĐ không đưa ra số lượng chăm lo cụ thể, mà các cấp công đoàn cơ sở phải rà soát lại những trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ tổ chức hỗ trợ, chăm lo. Như vậy công tác chăm lo đoàn viên, NLĐ sẽ được đầy đủ, phân kỳ, đảm bảo không trùng và có nhiều người được quan tâm nhất. Sẽ có 100 tỷ đồng dành cho hoạt động chăm lo cho công nhân, NLĐ dịp này.

Cũng theo ông Trung, “Tháng Công nhân” năm 2022 có điều đặc biệt hơn do thành phố vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 hoành hành. Từ trong khó khăn đó càng thể hiện rõ nét hơn vai trò tiên phong đi đầu của NLĐ, Công đoàn. “Năm nay, LĐLĐ TPHCM đã ký kết với một số cơ sở y tế để thăm khám sức khỏe, phục hồi hậu COVID-19 cho NLĐ; ký kết các chương trình phúc lợi tiêu dùng, dịch vụ. Đồng thời, chúng tôi rất mong cộng đồng DN sẽ nhanh chóng khôi phục và phát triển bền vững để tạo ra nhiều việc làm ổn định hơn; qua đó, quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện chế độ lương, thưởng, bữa ăn ca, phúc lợi dành cho NLĐ. Anh chị em công nhân lao động hãy cùng chào mừng “Tháng Công nhân” với tâm thế phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, tạo ra nhiều hơn giá trị cho doanh nghiệp và xã hội; qua đó xây dựng cuộc sống tốt hơn, gia đình hạnh phúc hơn”, ông Trung nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.