Phòng tôi và phòng Văn nghệ gần nhau. Nhớ một ngày tháng bảy năm bảy bảy. Ghé Phan. Phan thuở ấy đương bùng lên vẻ mặn mòi sung mãn của một thời trai. Sơ mi trắng, quần màu nhạt. Tóc chải bồng. Hình như Phan sắp đi đâu vẻ bồn chồn. Giữa trưa mà ngó ra trời xầm xì như sắp tối. Cơn áp thấp đang hoành hành.
Mồm chuyện mà tay Phan lia nhanh trên một tờ lịch vừa xé. Xong, đẩy sang tôi. Anh quyết ra đi mưa giữ lại/Cánh cửa phòng cứ đập mãi không thôi/Gió như cửa chăng dầy lớp lớp/Hai tù nhân thương nhớ giữa cuộc đời.
Sau mới biết bữa ấy mưa gió, Phan nhỡ cuộc hẹn với một người tình nào đó?
Mà người yêu của Phan thì là cô nào? Chịu! Một nhà thơ Phan Cung Việt nổi danh. Bửng tưng đã thấy tha thướt những cộng tác viên những thi nhân tuyền đàn bà tìm đến Phan… Phỉ phui anh nào nói Phan mổ thận, yếu sinh lý. Cái khoản ấy mà yếu thì làm chi có gái theo tơi tới như thế?
Đủng đỉnh sống. Thư thả thơ. Lại tinh tế Lá dâu chịu gió bốn bên/Vì đâu khắp lá lại viền răng cưa.
Phan khác những Dương Kỳ Anh, Hoàng Sơn phải kín đáo đôi lúc dấm dúi cái việc mần thơ nhưng Phan thì cứ như coi việc thơ là đương nhiên, thậm chí khoe khéo lẫn công khai là khác. Tay khi tờ Văn Nghệ, lúc tờ báo, tạp chí nào đó lúc khư khư, khi thì để lơ đễnh hờ hững trên bàn như tố cáo tớ mới có bài in đây này. Trước khi có phong trào nằm bàn cơ quan, mười mấy thằng tá túc ở căn phòng lớn của khu tập thể Hàng Trống. Thường Phan không biết nhung nhăng những đâu về ngủ khá muộn. Sáng bảnh đã thấy âm thanh xoàn xuýt xoa. Ấy là Phan đang khí công xoa bóp gì đó ở xó phòng. Mà khoản thể dục Phan chăm. Không trà, thuốc, rượu, bia (sau này hưu cùng ở khu Ao Phe, sáng nào cũng thấy Phan có động thái đập bụng vào cây cọ nói là để giảm mỡ thông khí chi đó khiến mấy bà hưu phải né tránh lối khác). Và gì nữa, khe khẽ ư ử những câu thơ nháp có lẽ mới bật mới nẩy ra hồi đêm? Động thái bất ngờ nhưng quen thân là thi thoảng Phan thòi ra một quả ớt vào đĩa cơm của tôi ở nhà ăn tập thể 55 Quang Trung của cơ quan T.Ư Đoàn.
Thi thoảng ghé giường của Phan để tỏ tường thêm hồi mới về cơ quan tôi nghe các anh lớp trước kể về một phóng viên Phan Cung Việt 5 ngày sau thành Quảng Trị giải phóng đã âm thầm vượt sông Bến Hải. Khi đó chưa có phóng viên nào vượt con sông giới tuyến vào miền Nam trừ những anh đi chiến trường B. Chuyện Phan chúi vào góc hầm lia bút thật lực trên những tờ giấy bất kỳ vớ được những tin tức bài vở để gửi ra Bắc. Mà gửi bằng cách đón những cánh quân ngược Bắc an dưỡng, khi thì cánh lái xe ra lấy hàng nhờ họ chuyển. Mà có mấy người, xe đến được Hà Nội? Họ bỏ cái phong bì của Phan đựng bài vở trên phong bì ghi hàng chữ đậm Kính nhờ các anh các chị chuyển bài của phóng viên Phan Cung Việt từ chiến trường gửi về Tòa soạn báo Tiền Phong số nhà 15 Hồ Xuân Hương Hà Nội. Tem làm gì có! Ấy thế mà diệu kỳ cho cái tình người thuở ấy. Chưa có bài vở nào của Phan bị thất lạc cả!
Một thời xôm tụ những quan hệ thân gần anh em đực cái này khác thậm chí còn tri hô cho thiên hạ biết trong thơ phú? Thế mà chả thấy Phan bấn bíu với quy luật muôn thuở gia đình vợ chồng? Cho đến giừ vẫn cứ vậy… Ai đó đã nói cuối đời chớ nên ở chung khu nhà với người cơ quan. Đã ngắm ngó soi nhau chán chê từng ấy năm về già lại lặp lại cái cực hình khi nhìn ngó nhau lại? Kể cũng có lý? Nhưng là với ai kia. Chứ với ông hàng xóm độc thân vô hại Phan Cung Việt sự gần nhau va đụng hàng ngày nó như sự tiếp tục và nối dài những thương mến cùng thân ái!
Nói đến nhà thơ Phan Cung Việt không thể không nhắc đến Nguyễn Huy Thông, nhà văn Nguyễn Huy Thông. Anh Thông ở Ban sinh hoạt Đoàn chơi khá thân với Phan Cung Việt. Một bận ghé hàng nước bà Sinh thấy hai lão đang gật gù thơ phú gì đó. Về phòng chán chê, tăng trà lá thứ hai quay ra, vẫn hai chiếm chỗ ấy. Hồi đó không có gúc gồ (Google) nhưng bù lại chúng tôi có Nguyễn Huy Thông. Phải nói là anh có biệt tài nhớ. Có cả thứ không cần, chả đáng nhưng Huy Thông cứ như miếng xốp với trữ lượng thấm hút khổng lồ. Nhiều khi chúng tôi quây lấy anh và anh luôn bị quấy bởi vậy.
Ngay từ năm 1964 đang học khoa văn anh đã có loạt bài Một số bài thơ viết về liệt sỹ Nguyễn Văn Trôi (khi đó AHLS Nguyễn Văn Trỗi, nhiều báo gọi là Trôi). Về tập thơ của Duy Khán của Đào Xuân Quý (năm 1972, 1973). Rồi tháng 8 năm 1973 Huy Thông được nhiều người nhắc vì dám phê thẳng tập Chiến trường gần chiến trường xa của thi sĩ khổng lồ Huy Cận.
Âm thầm cảm nhận. Lặng lẽ làm lụng. Ba tập lý luận phê bình của Nguyễn Huy Thông đã dẫn anh vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa có một Huy Thông sắc sảo tài năng nổi trội nhưng có một Nguyễn Huy Thông chân tình, đôn hậu chầm chậm tới mình. Học trường Đảng cao cấp ở Liên Xô, Nguyễn Huy Thông vẫn không quên chức phận của mình và hình như cái khiếu nhớ đã xui khiến anh góp cho ngành sử một tư liệu quý. Đó là chi tiết Tổng Bí thư đảng cộng sản Đôminica là Narơxiô Ixa Konđe tại diễn đàn Đại hội lần thứ 27 của Đảng cộng sản Liên Xô đã hào sảng đọc bài Trời hửng rút trong tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm tháng làm việc ở Văn phòng Quốc hội Nguyễn Huy Thông đã hoàn thành tập sách phê bình Cảm nhận văn chương khá bắt mắt.
…Đám đất cơ quan phân cho Phan Cung Việt như người ta phải chồng tầng này tầng nọ lên trên diện tích vàng ấy. Nhưng Phan chỉ lẳng lặng dựng lên một mái nhà nói đúng hơn là tạm bợ như mái lều vậy. Có bữa nhảo qua thấy Phan và Huy Thông đang chụm đầu điều chi mê say lắm? Cứ như cả hai mới chỗ quán trà bà Sinh dịch chuyển về? Hình như chưa có khoảng cách vời xa của gần 40 năm trước? Bà hàng nước gần nhà Phan một bữa bô bô rằng có một cái xe đen, trên có một ông tóc trắng xuống xe hỏi vào nhà ông Phan Cung Việt. Nhìn kỹ hóa ra ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có lẽ bà hàng nước nói đúng? Ông Nguyễn Phú Trọng, Phan Cung Việt và Nguyễn Huy Thông cùng lớp khoa Văn khóa 1963 - 1967 đó mà.
(Còn nữa)
Ai đó đã nói cuối đời chớ nên ở chung khu nhà với người cơ quan. Đã ngắm ngó soi nhau chán chê từng ấy năm về già lại lặp lại cái cực hình khi nhìn ngó nhau lại? Kể cũng có lý? Nhưng là với ai kia. Chứ với ông hàng xóm độc thân vô hại Phan Cung Việt sự gần nhau va đụng hàng ngày nó như sự tiếp tục và nối dài những thương mến cùng thân ái!