Sáng 4/10, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - dự và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cần Giờ lần thứ 19, khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị nhằm sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong 9 tháng đầu năm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận huyện Cần Giờ đã có rất nhiều nỗ lực, điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, 11/18 chỉ tiêu đạt và vượt, dự kiến đến cuối năm có 15 chỉ tiêu đạt.
Ông Mãi cũng yêu cầu trong số các chỉ tiêu này cần phấn đấu thêm để đạt cao hơn; 3 chỉ tiêu khó đạt thì cần đánh giá, thảo luận thêm, tiếp tục quyết tâm và xác lập giải pháp để phối hợp thực hiện. Cùng với đó, với các kết quả phấn khởi về tăng trưởng, thu ngân sách, tổng mức đầu tư toàn xã hội, huyện cũng phải phân tích để có thể duy trì kết quả tích cực này, trong đó cần đặc biệt chú ý đến tính bền vững trong cả giai đoạn.
Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng. |
Đi sâu vào các kết quả đạt được sau 9 tháng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận du lịch Cần Giờ là một điểm sáng khi đạt số lượng 3,5 triệu lượt khách cùng doanh thu gần 3.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm, huyện Cần Giờ ước đạt đón trên 3,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81% kế hoạch. Cùng với đó, doanh thu du lịch đạt 2.828 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
“Đây là con số lớn. Nếu lấy Cần Giờ so sánh thì có lẽ cũng ngang ngang với tỉnh Bến Tre về số lượt khách và đặc biệt là doanh thu”, ông Mãi cho hay và lưu ý các ngành liên quan và các địa phương của huyện cần chú ý không chỉ quan tâm số lượng khách, doanh số mà còn phải chú ý chất lượng chi tiêu cũng như tác động của khách đến phát triển kinh tế - xã hội, đến bảo vệ môi trường của huyện.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, nếu khách đến nhiều mà nguồn thu ít, tác động tiêu cực nhiều hơn thì phải kịp thời tính toán, có giải pháp. Cần đánh giá sâu hơn để có những dịch vụ, sản phẩm phù hợp với du lịch Cần Giờ.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị địa phương tập trung hoàn thiện và triển khai một số nhiệm vụ ban đầu của đề án Cần Giờ xanh. Ông Mãi cho hay, đề án này được nói đến từ rất lâu, do đó đến nay cần có được thể hiện bằng những văn bản cụ thể.
“Đề án này phải được cơ quan thẩm quyền là UBND huyện Cần Giờ hoặc TPHCM ký chính thức ban hành. Trong đó, chọn ra những gì về giao thông xanh, năng lượng xanh, hay du lịch xanh, do ai làm, lúc nào bắt đầu, lúc nào sẽ đạt được những kết quả gì và nguồn lực cần bố trí”, ông Phan Văn Mãi gợi mở và đề nghị huyện tập trung thêm để đến khi khai mạc Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ tới thì có những kết quả về xây dựng “Cần Giờ xanh” để báo cáo.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Nguyễn Phước Hưng và Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ chủ trì hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng. |
Cũng liên quan công tác xây dựng Đảng, ông Mãi lưu ý huyện cần đánh giá sâu hơn nữa khả năng hoàn thành các chỉ tiêu theo nghị quyết năm 2024 và khả năng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ. Trong đó, cần xác định mục tiêu, chỉ tiêu chính để đánh giá kỹ và có giải pháp, đặc biệt dồn sức để trong 10 tháng tiến tới đại hội cần tập trung lực lượng, nguồn lực thực hiện đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ chính.
Ông Mãi đánh giá, tổ chức mặt trận, các đoàn thể khác như hội phụ nữ, công đoàn, cựu chiến binh cũng cần tích cực tham gia phản ánh tình hình địa phương với cấp ủy. Từ đó, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ sẽ nắm bắt được tình hình và lãnh đạo sát hơn.
“Không chỉ có các phòng ban của hệ thống chính quyền, các địa phương, mà các kênh đoàn thể nắm tình hình nhân dân, ý kiến nhân dân… cũng đóng vai trò rất quan trọng”, Chủ tịch UBND TPHCM nói thêm.
Trước đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ Lê Văn Được, cho biết vấn đề trăn trở của các hộ nông dân sản xuất thủy hải sản trên địa bàn là vỏ hàu khi nhiều lên đã trở thành một lượng rác thải gây ảnh hưởng lớn đến lòng sông, lòng rạch. Khi đó, người dân muốn đi xuống bãi biển cũng sẽ rất khó khăn do những vỏ hàu này một phần được chở vào đất liền, còn lại các hộ dân đổ xuống lòng sông.
Theo ông Được, việc xử lý vỏ hàu dưới lòng sông không phải một chuyện dễ mà cần có một chính sách trong thời gian tới để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho môi trường biển.