Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - cho biết, theo thống kê đến cuối năm 2023, TPHCM hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn các bon/năm, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HH. |
GS,TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, nghiên cứu gần đây của Trường Đại học GTVT cho thấy tại nước ta có 50% khối lượng phát thải các-bon trong đô thị đến từ hoạt động giao thông vận tải. “Để phát triển kinh tế, xã hội, giao thông vận tải cần đi trước một bước, để phát triển TPHCM thành đô thị xanh, ngành giao thông vận tải cần phải đi trước một bước” - ông Long nêu quan điểm.
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Phan Thụy Kiều - chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cho biết, với đặc thù tỷ lệ sở hữu phương tiện xe máy cá nhân tại TPHCM cao hơn các thành phố trong khu vực, đây là nguồn phát thải chính các - bon gây ô nhiễm môi trường, cần phải có các giải pháp từng bước chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, kết hợp với các kế hoạch kiểm soát phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch trên một số trên một số khu vực cụ thể để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, bền vững.
“Việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông và kiểm soát khí thải phương tiện cần được triển khai cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể trước khi áp dụng trên toàn địa bàn thành phố. Huyện Cần Giờ tập trung lượng khách du lịch lớn, tuy nhiên là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tại TPHCM. Do vậy theo chúng tôi, việc triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích chuyển đổi phương tiện nhằm đạt mục tiêu an sinh xã hội và phát triển bền vững cho địa phương” - TS Phan Thụy Kiều nêu quan điểm.
Vị chuyên gia đề xuất TPHCM hỗ trợ kinh phí để thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe máy xăng sang xe máy điện cho người dân tại huyện Cần Giờ. Cụ thể, ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí thực hiện hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình gồm: 100% ưu đãi phí cấp biển số; 50% chi phí ưu đãi đổi xe máy điện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; 100% gói ưu đãi lãi suất vay trả sau khi mua xe máy điện; và 100% chi phí thu mua lại phương tiện xe máy cũ của các hộ gia đình thông thường sau khi chuyển đổi.
Theo tính toán, tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng năng lượng sạch ở Cần Giờ sẽ khoảng hơn 970 tỷ đồng (giai đoạn đến năm 2025 là gần 320 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là hơn 655 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách khoảng hơn 384 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá khoảng hơn 590 tỷ đồng.
Chuyên gia cho rằng cần thiết chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện. Ảnh: Ngô Bình. |
Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết, lượng phương tiện cá nhân tại TPHCM hiện đang rất lớn. Tuy nhiên, đối với chính sách của thành phố, sẽ không có việc cưỡng chế để giảm phương tiện giao thông cá nhân, mà thành phố sẽ thực hiện phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để qua đó giảm phương tiện cá nhân.
“Chúng tôi đang thực hiện đề án phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân gồm các giải pháp công trình, phi công trình. Đơn cử như vận hành tuyến metro số 1 và hệ thống xe buýt kết nối, từng bước phát triển hệ thống giao thông xanh, giảm phương tiện cá nhân. UBND TP giao Sở GTVT thực hiện đề án kiểm soát khí thải, sẽ bắt đầu thí điểm tại Cần Giờ" - ông Võ Khánh Hưng thông tin.
Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, theo kế hoạch, từ năm 2030 trở đi, tất cả phương tiện vận tải hành khách công cộng tại TPHCM sẽ sử dụng năng lượng điện. Tuy nhiên, những khó khăn về hỗ trợ lãi suất, hạn mức cho vay với các doanh nghiệp vận tải và đầu tư các trạm sạc, trụ sạc cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ...