Ngày 10/4, tại lễ trao giải báo chí về bảo hiểm năm 2023, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam - cho biết, năm 2023, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tăng tới 32%. Hậu COVID-19, nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm, nhất là bảo hiểm sức khoẻ làm thủ tục nhận bồi thường.
Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho khách hàng tham gia gần 81.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bồi thường bảo hiểm phi nhân thọ gần 24.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 33,6%. Các nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao gồm: Bảo hiểm xe cơ giới 52,5%; bảo hiểm sức khỏe 34,6%; bảo hiểm tàu 35,7%.
Bảo hiểm sức khỏe doanh thu 23.802 tỷ đồng, bồi thường 8.236 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 34,6%. Với bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ chi trả quyền lợi hơn 57.000 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm liên tiếp giảm. Quý I/2023, doanh thu phí bảo hiểm 53.300 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, doanh thu phí bảo hiểm giảm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam. |
Năm 2023, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,3% so với năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt gần 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5%, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.100 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm từ quý II/2023 tới nay liên tiếp giảm.
Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Lũy kế đến hết tháng 3, tổng tài sản doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 934,8 nghìn tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 777.000 tỷ đồng.
Năm nay, Bộ Tài chính thanh tra 6 doanh nghiệp, gồm 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Năm 2023, Bộ Tài chính thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm.
Các sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm; chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm.