Doanh nghiệp xuất khẩu lao động liêu xiêu vì dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động liêu xiêu vì dịch COVID-19
TPO - Dịch COVID-19 kéo dài khiến hầu hết những thị trường lớn đều tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) phái cử lao động rơi vào cảnh khốn đốn chưa từng có, đối mặt với nguy cơ phá sản. 

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đoàn Hồng Nguyên, Giám đốc Cty cổ phần du lịch IIG cho biết, hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực phái cử lao động, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với DN. Các hoạt động đào tạo, tuyển dụng của các DN hầu như bị tạm ngưng, một số được duy trì bằng cách chuyển sang hình thức online.

Theo ông Nguyên, dịch COVID-19 lần này gây thiệt hại vô cùng lớn đối với các DN. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện rất khó khăn và biến động từng tháng bởi phụ thuộc vào tình hình dịch của cả nước cung ứng và nước tiếp nhận.

Ở phía đối tác, họ ưu tiên sử dụng lao động đang ở bên đó nên nhu cầu tuyển mới giảm. Còn ở trong nước, dịch khiến cho công tác tuyển lao động không thể triển khai rộng rãi. Người lao động có tâm lý sợ dịch nên số lượng đăng ký đi làm việc ở nước ngoài rất ít.

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động liêu xiêu vì dịch COVID-19 ảnh 1  Sau hơn 1 năm chịu tác động của dịch COVID-19, hiện phần lớn nhân viên của các DN phái cử lao động đều rơi vào thất nghiệp

Lãnh đạo Cty cổ phần Nhân lực quốc tế Thắng Lợi cho biết, đến nay 90% nhân viên của công ty đã phải nghỉ việc. Các hoạt động tại trung tâm đào tạo, tuyển dụng lao động cũng đã dừng hẳn.

Theo vị này, từ tháng 7/2020, công ty hầu như không có doanh thu. Trong khi một tháng vẫn phát sinh hơn 3 tỷ đồng chi phí. Đặc biệt, các công ty trong ngành phải duy trì bộ phận nhân viên thường trực ở nước ngoài để hỗ trợ những lao động thất nghiệp tìm việc làm mới. 

"Nếu tình hình dịch vẫn tiếp diễn như hiện nay, sẽ có không ít doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản", vị này cho hay.

Ông Nguyễn Tiến San, Chánh văn phòng Hiệp hội xuất khẩu lao động cho biết, dịch  kéo dài khiến các DN trong lĩnh vực đều thu hẹp quy mô kinh doanh. Các DN đều cố gắng cầm cự từng ngày nhưng khó khăn ngày càng lớn. Phần lớn nhân viên đều thất nghiệp, nghỉ việc hàng loạt.

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong các thị trường chính, hiện nay chỉ còn Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận lao động Việt. Tuy nhiên, ở mức độ nhỏ giọt. Thị trường Nhật Bản, sau khi dịch bùng phát trở lại, vào ngày 21/1/2021 nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số vùng trọng điểm, nên cũng tạm ngừng cấp visa cho 11 nước, trong đó có Việt Nam. 

"Việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng từ đối tác và chính sách biên giới từ các nước này. Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu chỉ đưa 90 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc trong năm 2021. Vấn đề bây giờ là phối hợp với các cơ quan nước sở tại theo dõi sát tình hình lao động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người lao động", ông Nam nói.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bộ này cũng đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tổ chức các chuyến bay hỗ trợ đưa lao động hết hạn về nước. Còn việc hỗ trợ DN, Bộ sẽ có giải pháp trên căn cứ đề xuất của DN.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.