Sáng nay (16/4), tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc VIMC - có tờ trình về kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư năm 2024.
Theo ông Tĩnh, năm 2023, VIMC đã hoàn thành các chỉ tiêu được phê duyệt về kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó sản lượng đạt 5,6 triệu tấn (137% kế hoạch), doanh thu đạt gần 2.070 tỷ đồng (102% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt gần 360 tỷ đồng (ước 115% kế hoạch), lợi nhuận hợp nhất VIMC năm 2023 đạt hơn 2.120 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc VIMC - phát biểu tại ĐHCĐ sáng 16/4. |
Tổng Giám đốc VIMC cho biết, năm nay VIMC đề ra kế hoạch sản lượng vận tải biển 15,9 triệu tấn, tăng 76% so với năm 2023; sản lượng hàng thông qua cảng biển 123,6 triệu tấn, tăng 108% so với năm 2023. Doanh thu hợp nhất đạt gần 13.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 2.730 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ tổng doanh thu hơn 2.400 tỷ đồng, tăng gần 350 tỷ đồng tương đương 17% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận trước thuế hơn 930 tỷ đồng, tăng gần 580 tỷ đồng so với thực hiện năm 2023, tương đương đạt gấp hơn 2,6 lần so với thực hiện năm 2023.
Báo cáo trước ĐHCĐ, ông Tĩnh nhấn mạnh về chủ trương tăng vốn điều lệ công ty mẹ. Theo chiến lược phát triển của VIMC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, VIMC đang và sẽ triển khai đầu tư đồng bộ các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chính: Hệ thống cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cần Giờ…; đầu tư phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư khoảng gần 43.200 tỷ đồng, trong đó, dự kiến giá trị giải ngân giai đoạn 2021-2025 khoảng gần 31.800 tỷ đồng, vốn tự có khoảng gần 12.250 tỷ đồng.
“Tài sản hiện tại của VIMC chủ yếu tập trung ở tài sản cố định (đội tàu) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của VIMC nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh như đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả… phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của VIMC” - ông Tĩnh khẳng định.
Lợi nhuận hợp nhất VIMC năm 2023 đạt hơn 2.120 tỷ đồng (ảnh: VnEconomy). |
Đề cập tới bối cảnh khó khăn năm nay, ông Tĩnh cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt không khác gì một cuộc chiến khi sức mua của thị trường giảm, chính vì vậy cần phải quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng như giữ trận địa. Để giữ được khách hàng, việc quan trọng là phải luôn "ngồi vào vị trí khách hàng" và "đặt mình vào vị trí đối thủ", tức là luôn suy nghĩ và cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích cho khách hàng.
Về đầu tư, Tổng Giám đốc VIMC cho biết đơn vị sẽ ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư trọng điểm như phát triển đội tàu container, cảng biển, các dự án chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và công nghệ thông tin. Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ dự án bến 3-4 Cảng Lạch Huyện. Đặc biệt, tập trung nguồn lực cao nhất cho việc triển khai dự án trọng điểm Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
“Về mặt con người, VIMC sẽ chú trọng công tác thu hút nhân tài; xây dựng cơ chế tạo động lực cho người lao động để có nhiệt huyết, cống hiến cho tổ chức. Về quản trị sẽ ứng dụng mạnh mẽ các công cụ quản trị mới, chuyển cách điều hành doanh nghiệp từ trạng thái quản lý, quản trị doanh nghiệp sang 'chỉ huy doanh nghiệp', đảm bảo tính tuân thủ của 1 hệ thống” - ông Tĩnh nói thêm về giải pháp để thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm nay.