‘Ông trùm’ vận tải biển Việt Nam thận trọng với mục tiêu lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay giảm so với ước thực hiện năm 2022, chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường vận tải biển dự kiến gặp nhiều khó khăn.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sáng 20/4, các cổ đông đã thông qua báo cáo tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và kế hoạch năm nay.

‘Ông trùm’ vận tải biển Việt Nam thận trọng với mục tiêu lợi nhuận ảnh 1

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của VIMC sáng 20/4.

Năm 2022, sản lượng vận tải biển của VIMC đạt gần 22 triệu tấn; sản lượng hàng thông qua cảng đạt 124 triệu tấn; doanh thu hợp nhất là 15.300 tỷ đồng (đạt 106% cùng kỳ, 122% kế hoạch); doanh thu công ty mẹ là hơn 2.400 tỷ đồng (đạt 132% cùng kỳ, 143% kế hoạch); lợi nhuận hợp nhất hơn 3.000 tỷ đồng (đạt 84% cùng kỳ, 121% kế hoạch); lợi nhuận công ty mẹ là hơn 650 tỷ đồng (283% cùng kỳ, 272% kế hoạch).

Khối cảng biển tiếp tục tăng trưởng ổn định, VIMC phát triển thêm được 10 tuyến dịch vụ container mới, triển khai và thử nghiệm tuyến vận tải container kết nối trực tiếp cảng Cửa Lò với Ấn Độ, Bangladesh, thử nghiệm đưa tàu container vào cảng Cái Cui - Cần thơ.

Đặc biệt, năm 2022 doanh nghiệp này đã ký kết với hãng tàu container lớn nhất thế giới - MSC trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Cần Giờ - TPHCM, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Thị trường vận tải container năm nay dự kiến sẽ suy giảm mạnh và khó có thể đạt được những kết quả như năm 2021 và 2022 do nguồn hàng suy giảm, lạm phát gia tăng cũng như tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu giảm ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của các thị trường lớn như châu Mỹ, châu Âu... Khối cảng biển, dịch vụ hàng hải dự báo đối diện với nhiều khó khăn.

‘Ông trùm’ vận tải biển Việt Nam thận trọng với mục tiêu lợi nhuận ảnh 2

VIMC đang sở hữu và quản lý đội tàu gồm 59 chiếc (ảnh: VIMC).

VIMC đang sở hữu và quản lý đội tàu gồm 59 chiếc (3 tàu dầu, 10 tàu container, 46 tàu hàng khô. Tổng trọng tải đội tàu khoảng 1,34 triệu tấn (tấn trọng tải - DWT), tương đương 19% đội tàu của Việt Nam; khai thác 84 cầu cảng, chiếm hơn 28% tổng số cầu cảng cả nước; công suất thiết kế hệ thống cảng của VIMC khoảng 60 triệu tấn hàng rời và hơn 6,5 triệu teu hàng container.

Dựa trên bối cảnh kinh tế thế giới, dự báo thị trường vận tải biển năm 2023, quy mô, năng lực, các giả định, VIMC xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay thận trọng, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều giảm so với năm 2022, riêng sản lượng hàng thông qua cảng kỳ vọng đạt 109% năm trước.

Theo đó, năm nay VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 13.000 tỷ, doanh thu công ty mẹ là 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 2.300 tỷ đồng và lợi nhuận công ty mẹ là 310 tỷ đồng.

“Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của công ty mẹ giảm so với ước thực hiện năm 2022 chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường vận tải biển dự kiến gặp nhiều khó khăn dẫn đến lợi nhuận kế hoạch năm 2023 giảm mạnh” - lãnh đạo VIMC lý giải và cho biết đã nhận định được những thách thức, khó khăn lớn trong năm nay.

MỚI - NÓNG