Một cảng biển ở châu Phi. (Ảnh: Getty) |
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của lực lượng Houthi vào tàu bè di chuyển trên Biển Đỏ đã đẩy giá dầu và giá cước vận tải tăng cao. Hàng trăm tàu lớn phải thay đổi đường đi để vòng qua phía nam châu Phi, khiến thời gian đi biển kéo dài thêm 10-14 ngày nữa.
Tình trạng này gây gián đoạn hoạt động vận tải biển quốc tế qua kênh đào Suez - tuyến đường vận tải biển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, nơi chiếm khoảng 1/6 lưu lượng tàu biển toàn cầu.
Chỉ số World Bank 2022 công bố vào tháng 5 năm nay cho thấy, các cảng lớn của Nam Phi, trong đó có Durban - một trong những cảng lớn nhất châu Phi xét theo khối lượng container được xử lý – cùng với hai cảng Cape Town và Ngqura, nằm trong nhóm cảng xử lý hàng hoá kém nhất thế giới.
Alessio Lencioni, một nhà tư vấn về chuỗi cung ứng và hậu cần, cho biết các tàu có rất ít lựa chọn khi thay đổi hải trình để vòng qua phía nam châu Phi.
Lencioni cho biết, các cảng nước sâu lớn khác của châu Phi dọc theo tuyến Cape, như cảng Mombasa của Kenya và Dar es Salaam ở Tanzania, đều không được trang bị đầy đủ để xử lý kịp lượng tàu cập cảng tăng nhanh trong vài tuần tới.
Hãng Maersk cho biết, các tàu của họ khi di chuyển quanh Cape sẽ phải tiếp nhiên liệu tối đa ngay ở điểm xuất phát hoặc điểm đến.
“Trong trường hợp cần tiếp nhiên liệu trên đường đi, việc này sẽ được quyết định tùy từng trường hợp. Vịnh Walvis (Namibia) hoặc Port Louis (Mauritius) là lựa chọn hàng đầu”, một phát ngôn viên của hãng nói với Reuters.
Các chủ hàng cho biết, thời tiết ở vùng này rất khắc nghiệt, với biển động và lốc xoáy thường xuất hiện ở Kênh Mozambique, khiến dịch vụ tiếp nhiên liệu trở nên quan trọng.
Quan liêu là cũng là vấn đề đau đầu với các chủ tàu. Tháng 9 năm nay, cơ quan thuế quốc gia của Nam Phi thu giữ 5 tàu chở dầu ở Vịnh Algoa vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt. Ba tàu gồm BP, Trafigura và Mercuria đều bị đình chỉ hoạt động để chờ kiểm toán.
Younes Azzouzi, một nhà phân tích thị trường tại hãng phân tích và dữ liệu Kpler cho biết, Nam Phi dự kiến sẽ phải nhập khẩu dầu nhiên liệu nhiều kỷ lục trong tháng 12, để đáp ứng nhu cầu tàu biển tiếp nhiên liệu tại các cảng tăng cao.