Tại buổi tọa đàm “Đối thoại gữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ” diễn ra chiều 12/12, ông Phạm Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh cho biết doanh nghiệp (DN) đang gặp khó về vốn cũng như nguồn nhân lực.
Theo ông Quang, nhìn chung các chính sách của thành phố, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành địa phương cho DN cơ bản là thông thoáng, thuận lợi. Song, DN lúa gạo cần có nguồn vốn tập trung lớn, đặc biệt là để thực hiện quy hoạch, bao tiêu sản phẩm, đầu tư công nghệ xay xát, bảo quản, phục vụ xuất khẩu, hiện nay đa số công nghệ của các nhà máy chế biến đã lạc hậu, lỗi thời.
“Chúng tôi muốn thực hiện xuất khẩu vào những thị trường khó tính, thậm chí những thị trường trước đây chiếm thị phần lớn như Trung Quốc cũng cần truy xuất nguồn gốc. Do đó, nếu không có nguồn vốn để chủ động liên kết sản xuất, chúng tôi không thể làm” - ông Quang nói và cho rằng DN cần vốn hơn là cần giảm lãi suất, vì không có vốn thì không làm được.
Cũng theo đại diện DN, ngân hàng và thành phố chưa có nguồn hỗ trợ cho DN đầu tư trung và dài hạn, các DN sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng gần như siết chặt cho vay trong ngành lúa gạo...
Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Thuyền Quyên - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh thành phố Cần Thơ cho rằng, ngành ngân hàng luôn đồng hành với DN. NHNN đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, mở rộng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông thôn, DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN công nghệ cao…
Theo bà Quyên, đối với lãi suất, chương trình không có sự hỗ trợ lãi suất của nhà nước, ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận lãi suất cho vay. Theo đó, ngân hàng có các ưu đãi như đối với DN ứng dụng công nghệ cao thì được giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường…
Khẳng định trên địa bàn có nhiều ngân hàng không thiếu vốn cho DN vay, tuy nhiên đại diện NHNN tại Cần Thơ cho biết, để được tăng hạn mức tín dụng đầu tư dự án trung dài hạn phát triển công nghệ, thiết bị thay thế công nghệ cũ thì DN cần đáp ứng các điều kiện vay vốn như có phương án khả thi, có tài sản đảm bảo, đánh giá hạch toán tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh; các ngân hàng thương mại thì phải đảm bảo các giới hạn tỷ lệ an toàn của hoạt động và hạn mức tăng trưởng tín dụng được ngân hàng nhà nước phê duyệt hàng năm…
Nói về nguồn nhân lực của DN, ông Phạm Văn Quang cho biết: “Chúng tôi thiếu trầm trọng nguồn lao động chất lượng cao, những người vận hành máy móc hàng trăm tỷ đồng nhưng có khi chưa học hết lớp 3 lớp 4. Đó là một trong những vấn đề làm cho chúng tôi cảm thấy rất đau lòng, chưa kể đội ngũ cán bộ yếu sẽ dẫn tới hệ thống xay xát chế biến sẽ làm hao hụt, thất thoát rất lớn”.
Đại diện DN này dẫn chứng, ở khâu sấy lúa, nếu vận hành theo công nghệ lò sấy vỉ ngang thì chi phí đến 100-120 đồng/kg đối với vụ Hè Thu, Thu Đông và khoảng 80 đồng/kg trong vụ Đông Xuân, nhưng nếu đổi mới công nghệ như nồi hơi tầng sôi đốt để tiết kiệm nhiên liệu, sấy và kiểm soát được nhiệt thì chi phí chỉ mất 35 đồng/kg lúa...
Theo ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thành phố là trung tâm giáo dục đào tạo của cả vùng ĐBSCL, nhưng DN lại thiếu nguồn nhân lực như vậy là một nghịch lý.