Kinh doanh xăng dầu: Có giấy phép nhưng dự trữ, nhập khẩu luôn thiếu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cùng với việc tăng nhanh bất thường số doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nghiễm nhiên được "hợp thức hoá" các điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu nếu chiếu theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Từ đây, tình trạng lộn xộn đã diễn ra, DN đầu mối nhưng dự trữ và nhập khẩu… luôn thiếu.

Trong các báo cáo của một số đơn vị thuộc ngành Công Thương, có nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trong giai đoạn vừa qua.

Có những DN xăng dầu đầu mối có tiếng nhưng lợi nhuận luôn rất thấp. Năm 2021, doanh thu của Công ty TNHH Trung Linh Phát tăng vọt từ 3.104 tỷ đồng lên 7.749 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là… 144 triệu đồng.

Việc kiểm tra cấp phép được đánh giá là cần thiết đối với những DN đầu mối tư nhân có đầu tư ngoài ngành nhiều và cả với 300 thương nhân phân phối. Thương nhân là trung gian song thực tế lại rất có "quyền lực" chi phối nguồn cung, thậm chí có thể lũng đoạn thị trường. Một lượng lớn nguồn xăng dầu lậu, xăng giả, kém chất lượng đã được các đường dây làm giả, buôn lậu "phân phối" ra thị trường thông qua các thương nhân phân phối. Đây cũng là lý do khiến nhiều đầu mối, thương nhân phân phối gia tăng tài sản chóng mặt với doanh thu lên tới cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là lợi nhuận của các DN này luôn rất thấp, thậm chí luôn trong tình trạng thua lỗ.

Kinh doanh xăng dầu: Có giấy phép nhưng dự trữ, nhập khẩu luôn thiếu ảnh 1

Cây xăng thuộc Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương

Trong số DN đầu mối xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Công Thương và Quản lý thị trường vào kiểm tra tình hình hoạt động trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm quy định về dự trữ, vi phạm về hệ thống đại lý, hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra tràn lan với những DN đầu mối tư nhân mới được cấp phép. Cụ thể như: Công ty TNHH Petro Bình Minh; Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương; Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam; Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh; Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.

Điển hình trong số này là trường hợp Công ty TNHH Petro Bình Minh. Vốn là thương nhân đầu mối nhưng điểm lạ là DN này bị phát hiện duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định. Trong một báo cáo của lực lượng kiểm tra, hồi tháng 10/2021, tồn kho dầu DO của đơn vị này chỉ ở mức 1.173m3 và tháng 11/2021 đạt 4.380m3, thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 lên tới 6.028,71m3.

Không chỉ dự trữ thiếu, Công ty TNHH Petro Bình Minh còn bị phát hiện nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân giao hằng năm. Điểm bất thường là trong hai năm 2020, DN này “được" miễn, không bị phân giao nhập khẩu xăng dầu. Trong khi các DN khác đều bị phân giao hạn mức nhập khẩu. Càng kỳ lạ hơn, sang năm 2021, DN này cũng không thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu theo công văn của Bộ Công Thương.

“Chúng tôi từ khi được cấp phép luôn được phân giao hạn mức, trong khi lượng xăng dầu nhập khẩu của Công ty TNHH Petro Bình Minh năm 2021 bằng 0 mà chả sao. Nếu các DN đầu mối nào cũng được “miễn" nhập khẩu thế này thì thật sự nhẹ gánh, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn như năm 2022”, một lãnh đạo DN đầu mối bức xúc nói với PV Tiền Phong.

Trong danh sách các DN đầu mối vi phạm quy định đáng chú ý có Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương. DN này qua thanh tra bị phát hiện không dự trữ xăng dầu ở mức tối thiểu theo quy định.

Cùng với đó, dù là thương nhân đầu mối nhưng Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định. Cụ thể: tồn kho xăng các loại trong 11 tháng liên tiếp năm 2021 đều thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 là 4.183,3 m3. Mức dự trữ dầu DO tháng 4, tháng 6 và tháng 12 năm 2021 cũng thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 là 9.881 m3. DN này còn không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Một trường hợp đầu mối khác bị phát hiện có vi phạm là Công ty TNHH Trung Linh Phát. Là đầu mối nhưng Công ty TNHH Trung Linh Phát cũng có tên trong danh sách các DN nhập khẩu dầu Diesel thấp hơn hạn mức nhập khẩu dầu được Bộ Công Thương phân giao năm 2021 tại Công văn số 8266 ngày 22/12/2021. Công ty này cũng không gửi đăng ký điều chỉnh về Bộ Công Thương khi có sự thay đổi trong hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân.

Vi phạm đủ hình thức nhưng vẫn không bị làm sao?

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài tình trạng không đáp ứng đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép, nhiều doanh nghiệp đầu mối và cả thương nhân phân phối còn có những độc chiêu biến hoá các hợp đồng để hợp thức việc qua mặt cơ quan chức năng sau mỗi kỳ kiểm tra.

Trong một báo cáo gần đây của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, việc không tuân thủ kỷ luật, đáp ứng các quy định, điều kiện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp (DN) đầu mối tư nhân có tình trạng lặp đi lặp lại nhiều năm liền.

Kinh doanh xăng dầu: Có giấy phép nhưng dự trữ, nhập khẩu luôn thiếu ảnh 2
Tình trạng thiếu xăng dầu (nhất là ở các tỉnh phía Nam) thời gian qua cũng một phần do lượng xăng dầu lậu bị bắt giữ nhiều - Ảnh: Nguyễn Bằng

Cùng với đó, tình trạng phân giao hạn ngạch nhưng DN không thực hiện, thậm chí không nhập khẩu nhưng cũng vẫn bình yên vô sự. Báo cáo này cho thấy, năm 2020 có tới 15 DN đầu mối có tổng lượng phân giao nhập khẩu chỉ khoảng 500.000 m3/tấn và có 8 DN mức nhập khẩu và tổng nguồn không đạt lượng nhập khẩu và tổng nguồn đã được cơ quan quản lý giao.

Trong số này có các thương hiệu lớn như Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty CP Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu.

Cá biệt trong 2 năm 2019 và 2020 có một số đơn vị như Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Anh Phát Petro (Thanh Hoá), Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh, Công ty TNHH Hà Anh…

Cũng theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, năm 2022, qua kiểm tra cũng phát hiện nhiều doanh nghiệp đầu mối tiếp tục không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Không chỉ vi phạm về nhập khẩu xăng dầu, kết quả thanh tra của Bộ Công Thương công bố cách đây vài ngày cho thấy, có nhiều vấn đề về quản lý trong lĩnh vực xăng dầu. Nổi lên trong số các doanh nghiệp đầu mối có nhiều vi phạm là trường hợp của Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (TP.HCM); Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát (Quảng Bình); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hoà Khánh (Đà Nẵng), Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (Hải Phòng); Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu Hải Dương.

Trong đó, Công ty Xuyên Việt Oil với các vi phạm bị chỉ đích danh: Năm 2021, Xuyên Việt Oil không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý. Công ty này cũng có hoạt động khó hiểu khi thanh lý hợp đồng với 37 đại lý xăng dầu ngay trong ngày được nâng cấp giấy phép lên thành doanh nghiệp đầu mối dù điều kiện quy định doanh nghiệp đầu mối để được cấp phép phải có 40 đại lý. Trước sự khó hiểu này, Thanh tra Bộ Công Thương kiến nghị giao Vụ Thị trường trong nước chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Còn với trường hợp Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát, kết luận thanh tra cho thấy, công ty này chưa đáp ứng điều kiện về có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn thuộc sở hữu DN hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng 5 năm trở lên.

Ngoài ra, công ty này có 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu, nhưng không có tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của công ty.

“Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu được quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ, không thực hiện đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ theo quy định”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Điều lạ là sau thanh tra đã cho thấy dù Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát không đáp ứng được điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, thiếu số lượng về đại lý nhưng vẫn được cấp phép làm doanh nghiệp đầu mối. Chưa kể công ty này còn mua bán xăng dầu từ 2 công ty con của DN đầu mối và 1 chi nhánh công ty con của DN đầu mối, vi phạm các quy định của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Công ty này cũng không thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý trong hệ thống phân phối của mình.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.