Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng lãi khủng: Có phải 'nỗi oan Thị Kính'?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, ngừng hoạt động, nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi "khủng”.

Sáng 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng lãi khủng: Có phải 'nỗi oan Thị Kính'? ảnh 1

ĐBQH Trần Văn Lâm

Đặt vấn đề về “doanh nghiệp khó khăn nhưng ngân hàng vẫn lợi nhuận cao”, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói, thời gian qua, khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, đối mặt với các gói nợ xấu thì cả hệ thống chính trị đã góp sức hỗ trợ với Nghị quyết 42 /2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV được cho là khá mạnh mẽ và hiệu quả.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong 2 năm qua, khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn vì đại dịch thì có ý kiến cho rằng, mức độ chia sẻ của ngân hàng chưa tương xứng.

“Kinh tế đất nước trong 2 năm qua tăng trưởng thấp kỷ lục, rất nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường, người dân gặp vô vàn khó khăn, lao đao vì dịch bệnh; nhiều khoản nợ ngân hàng không trả được, nợ tăng trở lại nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng”, ông Lâm nói và đề nghị Thống đốc chia sẻ về vấn đề này, “liệu đây là nỗi oan Thị Kính hay nỗi oan gì?”

Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng lãi khủng: Có phải 'nỗi oan Thị Kính'? ảnh 2

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: Nhật Minh)

Trước câu hỏi trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các tổ chức tín dụng tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Khi dịch COVID-19 xảy ra, các tổ chức tín dụng đã miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, người dân. Tổng số miễn giảm là 48.000 tỷ đồng, đây cũng là sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng.

Theo bà Hồng, các nhà băng được thành lập có mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng có quy mô vốn và tài sản là rất lớn. Cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng; đến tháng 3/2022 lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng, tín dụng 12 triệu tỷ đồng.

Tài sản của một tổ chức tín dụng, như ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. “Lợi nhuận sinh lời là mười mấy nghìn hay hai mươi nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó thì không phải là lớn. Tỷ lệ sinh lời trên vốn của một số tổ chức tín dụng so với các doanh nghiệp ở các ngành khác không cao”, bà Hồng khẳng định.

Có nên độc quyền sản xuất vàng miếng?

Liên quan đến những vấn đề về độc quyền vàng miếng được các đại biểu đặt ra khi tranh luận trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc lựa chọn SJC là thương hiệu vàng vì "được người dân ưa chuộng từ trước".

Theo Nghị định 24/2012, Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất vàng miếng và khi đánh giá tình hình nên sản xuất một thương hiệu vàng miếng riêng, mới hay chọn loại vàng của thương hiệu đã có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, nếu chọn làm một thương hiệu vàng quốc gia mới, xã hội có thể mất nhiều chi phí.

“Sau khi cân nhắc các mặt lợi ích, chi phí, Ngân hàng Nhà nước chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, loại chiếm hơn 90% thị phần ở thời điểm đó", bà Hồng giải thích.

Việc có sửa Nghị định 24 hay không, bà Hồng nói, đã mất nhiều công sức để có được sự ổn định thị trường. Nếu giờ cho các thương hiệu khác sản xuất vàng miếng thì cần đánh giá kỹ lưỡng. Vì thế, nếu sửa Nghị định 24, sẽ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

MỚI - NÓNG