Đó là nhận định được Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) đưa ra ngày 29/8. Theo đơn vị này, một số ngành có xu hướng tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong tất cả các tiêu chí như dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, thiết kế, quảng cáo…
Các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo, nghệ thuật, vui chơi và giải trí, thông tin và truyền thông có xu hướng gặp khó khăn. Điều này thể hiện qua số lượng DN thành lập mới giảm, DN quay trở lại hoạt động chỉ tăng nhẹ, trong khi DN ngừng kinh doanh có đăng ký, ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có 87.448 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 878.627 tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 10 tỷ đồng. Số lao động đăng ký của DN thành lập mới là 734.690 lao động, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2017. Các ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất gồm: Kinh doanh bất động sản (chiếm 29,5% trên tổng số vốn đăng ký); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 14,8%); xây dựng (chiếm 14,1%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 10,8%).
Cũng theo Bộ KH&ĐT, cả nước có gần 22.000 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017. Việc địa phương triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu nhằm loại bỏ DN thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng DN này tăng cao.