Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

TP - Chuyên gia nhận định, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn “tín dụng đen”.

Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF)- chuyên đề Thị trường Vốn- Tài chính hôm 21/8, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Trường Ðại học Fulbright Việt Nam cho rằng việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho DN lớn và có quy mô trung bình. 

Theo ông Thành, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn “tín dụng đen”.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt khẳng định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có cấu trúc vốn. Vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Do đó, theo ông Hùng, khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen".

Trên cơ sở đó, ông Hùng đề xuất Chính phủ tạo ra khung pháp lý để giúp DNVVN có thể tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ bởi chi phí sử dụng vốn lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông Alwaleed Fareed Alatabani cũng đồng tình và gợi mở giải pháp bằng các gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường như thuê mua tài sản, hoặc công cụ khác.

Còn ông Nguyễn Kim Hùng - TGĐ Cty CP Tái cấu trúc DN Việt (Verco) đề nghị Chính phủ trong nền tài chính thứ cấp, nếu cho thử nghiệm mà sai thì không nên hình sự hóa.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ảnh 1

Vốn mỏng khiến doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay.

Trong khi đó, phát biểu khai mạc, ông Don Lam, Phó trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng) cho hay: “Một trong những vấn đề thị trường vốn cần lưu tâm là huy động vốn nội địa, sử dụng hiệu quả cho những dự án đầu tư. Để làm được điều này cần nỗ lực các doanh nghiệp và Nhà nước. Làm thế nào sử dụng vốn dài hạn là một trong những mục tiêu mà chúng ta phải theo đuổi”.

Vốn dài hạn cho cả nền kinh tế: lấy đâu ra?

Ông Ketut Kusuma - Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cơ hội thúc đẩy thị trường chứng khoán từ cổ phần hoá (CPH) là vấn đề then chốt. Vấn đề đặt ra, là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng... "Khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân", ông nói.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) khẳng định, kinh tế Việt Nam ngày càng mở. Ông cho rằng, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát triển cả nội và ngoại lực.

Theo ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của World Bank, nền kinh tế Việt Nam  có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong  dân mà ta chưa huy động hết. Đây là tiềm năng lớn.

Bàn về tái cấu trúc thị trường vốn, tài chính ở Việt Nam, ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành Khối Khách hàng tổ chức, Cty CP Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng, trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tự nguyện tư nhân.

Ngoài quỹ hưu trí tự nguyện tư nhân, đại diện từ HSC còn nhắc đến một số giải pháp nhằm gia tăng sự hiện diện cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường vốn như quỹ lưu ký để nâng trần khối ngoại. Vị này cho rằng Chính phủ cần cân nhắc tháo dỡ quy định trần vốn 49% của nhà đầu tư nước ngoài, để họ có thể nắm giữ mức trần vốn lớn hơn. Như tại Thái Lan, việc sử dụng chứng chỉ lưu ký đã giải quyết bài toán nâng trần và vẫn đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn nhưng thị trường chứng khoán và tiền tệ vẫn phát triển mạnh mẽ. Đây là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Theo bà Hồng, với nguồn vốn hiện tại, tỷ trọng vốn ngắn hạn chiếm 70% nhưng đã cải thiện nhiều so với 5-6 năm trước. Áp lực cho vay trung, dài hạn vẫn lớn và các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn. Đối với trái phiếu chính phủ, các tổ chức tín dụng vẫn nắm hơn 80% lượng trái phiếu.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ảnh 2 Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ phát biểu tại diễn đàn.

Tăng cường vai trò thể chế phi ngân hàng

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho rằng, về tái cấu trúc thị trường, giải pháp quan trọng là cần tăng vai trò của thể chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngoài ra cần giải quyết tốt thị trường vốn và thị trường tiền tệ.Ông cũng đưa ra một số giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm tài chính, thị trường chứng khoán phải phát triển cả thị trường cơ sở (tức thị trường cổ phiếu) và phái sinh, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, cũng như trái phiếu DN.

Theo Phó Thủ tướng, quá trình tái cấu trúc thị trường vốn, tài chính cần gắn chặt với quá trình chuyển mình của nền kinh tế. Chính phủ cần tạo điều kiện cho thị trường phát triển rồi mới đặt vấn đề quản lý nó.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết, đã có nhiều động thái nhằm tăng cường quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung cho thị trường vốn. Về gợi ý liên quan đến chứng chỉ ký quỹ không biểu quyết, đại diện Chính phủ đánh giá đây là ý kiến hay khi đảm bảo an ninh quốc gia và khẳng định Việt Nam sẽ lắng nghe và nghiên cứu.

Ông Don Lam - Phó trưởng ban Nguyên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho biết, những giải pháp đề xuất trong diễn đàn sẽ được tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay.        

Ðể Việt Nam tham gia vào thị trường trái phiếu quốc tế, chuyên gia Ketut Kusuma cho rằng, cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch.  Với chứng khoán và cổ phiếu, Việt Nam cũng phải có những cách tính phù hợp với thông lệ quốc tế, hồ sơ của những DN phát hành cũng phải minh bạch, uy tín, chuyên nghiệp, nổi bật khiến các nhà đầu tư nước ngoài thấy tin tưởng.

MỚI - NÓNG