Doanh nghiệp FDI: Ưu đãi nhiều, hiệu quả thấp

Dự án Formosa Hà Tĩnh đang hưởng khung ưu đãi kịch trần. Ảnh: Đức Nam
Dự án Formosa Hà Tĩnh đang hưởng khung ưu đãi kịch trần. Ảnh: Đức Nam
TP - Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã gần 30 năm, với nhiều ưu đãi nhằm kỳ vọng được chuyển giao công nghệ, đầu tư cải thiện nền nông nghiệp… Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý và chuyên gia kinh tế đều thừa nhận, mục tiêu trên còn lâu mới đạt được.

Khi ưu đãi chạm đỉnh

Nói về ưu tiên cho doanh nghiệp (DN) FDI, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, họ luôn nhận được ưu đãi nhiều hơn DN trong nước. Điển hình phải kể tới dự án thép Formosa Hà Tĩnh. Dự án của các nhà đầu tư Đài Loan này được hưởng cơ chế ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam (tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư). Đây cũng được xem là một trong số ít dự án đang được hưởng ưu đãi cao nhất trong khối DN FDI. Hiện, nhiều đề xuất ưu đãi của chủ đầu tư vẫn đang được cơ quan nhà nước xem xét.

Hay như Samsung, đầu tư hàng tỷ USD xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử (điện thoại, tivi…) tại Việt Nam. Nhờ được hưởng cơ chế ưu tiên do đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, tập đoàn Hàn Quốc này đang hưởng những ưu đãi đặc biệt về thuế và những khoản đóng góp cho ngân sách.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2013, có 9.093 DN FDI đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc, với tổng số vốn đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 3,411 triệu tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 3,138 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 248 nghìn tỷ đồng; đóng góp cho ngân sách 214,3 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, xét trong toàn bộ khu vực DN (DN nhà nước, DN ngoài nhà nước, DN FDI), một số chỉ tiêu cơ bản của khối FDI năm 2013 giảm so với năm 2000, như lợi nhuận giảm từ chiếm 52,4% xuống 45,4%, thuế và các khoản nộp ngân sách giảm từ chiếm 39,4% xuống 30,5%. Không chỉ vậy, nhiều mục tiêu Việt Nam đặt ra để thu hút FDI, như thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, đầu tư vào nông nghiệp… vẫn chưa đạt được.

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) cho rằng, việc thất bại trong các mục tiêu khi ưu đãi thu hút vốn FDI không phải do khối ngoại, mà từ chính sách nước ta hiện nay. “Muốn biết DN FDI chuyển giao công nghệ hiệu quả hay không, nhìn vào ngành công nghiệp phụ trợ trong nước là biết. Tới giờ có thể khẳng định, công nghiệp phụ trợ không phát triển, như vậy chuyển giao công nghệ rất kém”, ông Nghĩa nói.

Kỳ vọng còn xa

Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ không ít hạn chế của khối DN FDI, dù được nhiều ưu đãi. Nguồn vốn FDI chủ yếu tập trung vào hoạt động gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu nên giá trị gia tăng chưa cao (lắp ráp ô tô, xe máy, điện - điện tử, may mặc, da giầy). Họ chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông có chi phí nhân công thấp, dây chuyền công nghệ trung bình hoặc đã lạc hậu. Trong khi Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp thì tỷ trọng vốn đầu tư vào khu vực này rất thấp và giảm dần (năm 2000 chiếm 0,6% tổng vốn FDI giảm xuống còn 0,3% năm 2013 với 123 DN).

Việt Nam cũng kỳ vọng các DN FDI sẽ tích cực chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhà quản lý DN của Việt Nam. Từ đó tạo ra nhiều giá trị gia tăng, giúp đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, số DN liên doanh với nước ngoài ngày càng giảm, cho thấy hình thức này không hấp dẫn nhà đầu tư. Hoặc khi mới thành lập, DN chọn cách liên doanh để tận dụng các điều kiện thuận lợi của các đối tác trong nước về đất, miễn giảm thuế, hạ tầng kỹ thuật và các ưu đãi khác. Sau đó đối tác ngoại mua lại toàn bộ cổ phần để thành DN 100% vốn nước ngoài. Không ít DN FDI không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết về đầu tư bảo vệ môi trường…

“Chính sách ưu đãi đầu tư rất tốn kém, làm biến dạng hệ thống thuế và hạn chế với ngân sách nhà nước”.

UNIDO đánh giá

Kết quả nghiên cứu công bố mới đây của Tổ chức Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) về ưu đãi cho DN FDI tại Việt Nam cho thấy không có sự khác biệt lớn về kết quả hoạt động của DN FDI được ưu đãi và DN FDI không nhận được ưu đãi. Do đó, UNIDO lưu ý Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng hơn việc cấp ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi tài chính với DN FDI. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, vốn FDI chỉ tập trung vào khai thác lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên. “Việc ưu đãi đầu tư và quản lý, đánh giá hiệu quả ưu đãi cần phải cải thiện. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng nhiều địa phương có dấu hiệu thực hiện ưu đãi quá mức, vượt quá tầm kiểm soát”, ông Doanh nói.

Ưu đãi của Formosa Hà Tĩnh: Được áp dụng mức thuế thu nhập DN 10% (DN trong nước là 22%) từ năm có thu nhập chịu thuế; 4 năm được miễn thuế thu nhập DN, giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng; miễn thuế tài nguyên và giảm 40% phí bảo vệ môi trường với hoạt động hút cát, san nền…

MỚI - NÓNG