Doanh nghiệp điện tử đối mặt nhiều quy định mới khi tham gia chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đây là thông tin được các đại biểu, chuyên gia ngành điện tử chia sẻ tại tọa đàm chủ đề “Sản xuất thông minh - Chuyển đổi số, Công nghiệp 4.0, AI và IoT trong sản xuất điện tử. Thúc đẩy đổi mới trong sản xuất điện tử” do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Điện tử quốc tế (NEPCON Việt Nam 2024) đang diễn ra tại Hà Nội.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, năm 2023 là năm suy giảm mạnh trong thương mại và điện tử toàn cầu. Đây cũng là lần đầu tiên trong suốt 10 năm qua, ngành công nghiệp điện tử bị suy giảm. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng đã quay trở lại ngành điện tử Việt Nam với mức tăng 9,8% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu 83,6 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đặc biệt, ngành điện tử tiếp tục xuất siêu 8,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, giúp cân bằng cán cân thanh toán của cả nước..

Hai thị trường lớn nhất thế giới và cũng chính là thị trường chính của Việt Nam là Hoa Kỳ trong xuất khẩu điện thoại và linh kiện vẫn tăng trưởng tốt. Đây cũng là hai thị trường chủ lực trong xuất khẩu máy tính và linh kiện của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đại diện VEIA, hiện Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu và máy móc thiết bị từ Trung Quốc với tỷ trọng trên 80%. Hiện Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu máy tính và linh phụ kiện và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về xuất khẩu điện thoại di động.

Doanh nghiệp điện tử đối mặt nhiều quy định mới khi tham gia chuỗi cung ứng ảnh 1

Doanh nghiệp ngành điện tử sẽ phải đáp ứng ngày càng nhiều tiêu chuẩn cao hơn

“Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, gia công trong lĩnh vực điện tử nhưng chỉ sản xuất ở mức giá cơ bản. Về đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử, hiện các ông lớn công nghệ lớn nhất thế giới như Samsung, LG, Intel, Canon Panasonic, cho đến các nhà cung ứng lớn nhất của Apple cũng đã có mặt như Foxcom với cam kết đầu tư xây dựng nhà máy bảng mạch in ở Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 383 triệu USD … đều đã có mặt ở Việt Nam”, bà Hương cho hay.

Theo đại diện VEIA, hiện các chuỗi cung ứng đã được khép kín ở Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, gia công. Dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp không cao do mới chỉ tập trung vào sản xuất, lắp ráp mà chưa đi vào các khâu sản xuất cao hơn. Bên cạnh đó, việc gia công, sản xuất điện tử của Việt Nam hiện chủ yếu do các nhà sản xuất linh kiện lớn dẫn đầu, chưa có doanh nghiệp Việt tiên phong. Tính kết nối của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI cũng yếu nên doanh nghiệp Việt còn thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng, giá cả.

“Việt Nam có nguồn cung lao động hợp lý, các hiệp định thương mại cũng mang lại lợi thế cho dòng chảy FDI vào Việt Nam. Việt Nam đang được các doanh nghiệp công nghệ lớn coi như điểm đến để tiếp nhận dòng chảy đầu tư. Việc tham gia các triển lãm công nghệ lớn sẽ là cơ hội để doanh tham gia trực tiếp kết nối với các nhà cung ứng hàng đầu để có thể có đơn hàng tốt hơn, vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng”, bà Hương cho hay.

Doanh nghiệp điện tử đối mặt nhiều quy định mới khi tham gia chuỗi cung ứng ảnh 2

Doanh nghiệp có nhiều cơ hội giao thương, thâm nhập chuỗi cung ứng khi tham gia các hội chợ, triển lãm. Trong ảnh: Triển lãm NEPCON Việt Nam 2024

Doanh nghiệp điện tử sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn

Ông Trần Xuân Quang, Giám đốc Công ty Tư vấn – Đào tạo cho biết, các doanh nghiệp điện tử sẽ ngày càng phải đối mặt những tiêu chuẩn mới khắt khe hơn. Theo ông Quang, năm 2024 EU ra quy định về nghĩa vụ kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Theo đó, trong 2 năm tới, các quốc gia trong EU cũng sẽ phải ra luật hoá các quy định về kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng của mình. Khi đó, các quốc gia và các doanh nghiệp sẽ phải kiểm soát rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.

Việt Nam là quốc gia có các doanh tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn điện tử, công nghệ toàn cầu thông qua sản xuất, cung ứng các linh kiện, phụ kiện điện tử nên cũng phải tuân thủ quy định của các nước trên khi xuất khẩu”, ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, các năm qua, các doanh nghiệp dệt may, điện tử liên tục phải đánh giá các tuân thủ quy định về lao động, tiền lương, phúc lợi, thời gian làm việc, đảm bảo an toàn điện, hoá chất và sức khoẻ cho người lao động. Vì vậy, để đạt tiêu chí kinh doanh có trách nhiệm khi tham gia các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp Việt sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mới. Cụ thể, không có lao động trẻ em trong doanh nghiệp; không có lao động cưỡng bức; không có phân biệt đối xử; không có quấy rối tình dục; đảm bảo tiền lương và phúc lợi xã hội cho người lao động đúng quy định pháp luật; đảm bảo thời gian làm việc không quá giới hạn cho phép; đảm bảo các vấn đề an toàn từ phòng cháy chữa cháy tới an toàn điện, hóa chất, máy móc thiết bị...

Trả lời câu hỏi về việc làm gì để doanh nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của chuỗi cung ứng, ông Quang cho rằng, mọi việc phụ thuộc chính lãnh đạo của doanh nghiệp.

“2 năm trở lại đây, khi EU siết quy định, áp dụng quy định đánh giá quản trị dựa trên rủi ro vốn chỉ xuất hiện nhiều ở mảng lao động, giờ còn mở rộng ra ở đạo đức kinh doanh, hệ thống quản lý… Doanh nghiệp Việt vì vậy cũng phải phải nhận diện rủi ro và chấm dứt các rủi ro đó. Đây là xu hướng rất rõ mà doanh nghiệp phải tuân thủ trong tương lai’, ông Quang lưu ý.

Ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Hanel PT cho hay, với xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu phải sẵn sàng đón đầu xu hướng kinh doanh có trách nhiệm, sản xuất bền vững. Nếu coi đây là rào cản thì sẽ là rào cản, nhưng nếu coi là cơ hội thì sẽ là cơ hội.

Theo ông Tùng, hiện các doanh nghiệp điện tử Việt cần tăng cường đầu tư chuyển đổi sang sản xuất xanh, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới để giảm thiểu nguồn phát thải, nâng cao năng suất lao động. “

“Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn phát triển theo hướng sản xuất xanh thì phải tham gia theo chuỗi. Phải tận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và bên ngoài do phải đầu tư rất nhiều. Cùng đó, để phát triển bền vững bắt buộc phải đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D). Việc tham gia các triển lãm, hội nghị quốc tế cũng giúp doanh nghiệp nắm rõ các đối tác, đối thủ đang hoạt động thế nào”, ông Tùng cho hay.

MỚI - NÓNG