Doanh nghiệp còn tự bơi, đầu tư còn dàn trải

 Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tạo áp lực đẩy nhanh cải cách ở các địa phương
Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tạo áp lực đẩy nhanh cải cách ở các địa phương
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, ở đâu tiếng nói của khu vực DN, nhất là DN tư nhân mạnh mẽ, ở đó, tạo nên áp lực, đẩy nhanh quá trình cải cách các địa phương. Do vậy, ngoài việc các địa phương tự soi lại mình, cần tăng quyền đối thoại, cầu thị, lắng nghe ý kiến của DN.

Tạo động lực cải thiện của các địa phương

Thưa ông, VCCI đang có nhiều nghiên cứu, trong đó thành công nhất là bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI. PCI đã đóng góp ra sao vào sự đổi mới của nền kinh tế? Mức độ cải thiện của các địa phương thế nào?

Lần đầu tiên, Chính phủ vừa có một nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Trong đó, đặt nền kinh tế của nước ta trong tương quan so sánh quốc tế, hướng tới chuẩn mực môi trường cạnh tranh cấp tiến ASEAN. Tuy nhiên, cách đây 8 năm, VCCI đã đưa bộ chỉ số PCI về nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương.

Bộ chỉ số này thể hiện tinh thần đổi mới của Đảng, Chính phủ, trong đó tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có tiếng nói; thể hiện sự hài lòng của họ với sự điều hành của cơ quan chính quyền địa phương.

Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam có sự phân cấp mạnh mẽ, trong đó, những quyết định về kinh tế, do chính quyền địa phương thực hiện. Trong khi, chính quyền địa phương là những người tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề quyền, lợi ích của họ, nhất là tiếng nói của khu vực tư nhân, là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chỉ số PCI, quan trọng nhất không phải là xếp hạng từ 1 đến 63 tỉnh thành, mà là chỉ ra điểm yếu kém, tồn tại trong điều hành kinh tế ở địa phương. Đồng thời, chỉ ra dư địa để cải cách, thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh tiên phong với địa phương đi sau. Từ đó, tạo thành cuộc đua lành mạnh của các địa phương trong tiến trình cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đây cũng là cơ sở, để những lãnh đạo có tư tưởng cải cách địa phương có thước đo, áp lực cần thiết để yêu cầu bộ máy của họ phải đổi mới, cho quá trình kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Hiện hơn 40 tỉnh, thành có nghị quyết, và các chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Doanh nghiệp còn tự bơi, đầu tư còn dàn trải ảnh 1

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (ngoài cùng bên trái), chúc mừng ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch TP Đà Nẵng- địa phương đứng đầu PCI năm 2013. ảnh: Thanh Hòa

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là thước đo phản ánh bước đi của Việt Nam trong tiến trình hội nhập của nền kinh tế?

Cải cách của địa phương theo chỉ dẫn của PCI là tích cực. Đồng thời, qua PCI cũng chỉ ra các điểm hạn chế của môi trường kinh doanh. PCI còn là các gợi ý về chính sách với các cơ quan T.Ư, tiếp tục hoàn thiện các thể chế. Chẳng hạn, hiện DN đang đánh giá sự yếu kém của các thiết chế pháp lý, là điều quan ngại với các DN. Điều đó, không chỉ liên quan đến việc thực thi pháp luật ở các địa phương, mà còn tác động đến việc hình thành, hoàn thiện các thiết chế đó ở cấp T.Ư. Vừa rồi, do tác động của PCI, có sự cải cách nhanh và đồng đều giữa các địa phương, như rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của DN. Đương nhiên, có những khó khăn, các địa phương không dễ cải thiện trong nay mai như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện các thiết chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của các DN…

Gần đây, PCI còn mở rộng đối tượng khảo sát là DN có vốn đầu tư nước ngoài- FDI. Họ bao giờ cũng có nhãn quan của DN quốc tế, có kinh nghiệm hoạt động kinh tế toàn cầu, nên góc nhìn của họ cũng khác. Họ có thể chỉ ra các yếu kém, dư địa, cũng như cách thức để chúng ta có thể thu hẹp năng lực cạnh tranh của Việt Nam với khu vực, cũng như tiến đến các chuẩn mực toàn cầu.

Cải thiện tính minh bạch

Theo đánh giá của cộng đồng DN, như tính minh bạch, chi phí không chính thức, tham nhũng… đã được cải thiện như thế nào trong quá trình thực hiện PCI?

Tính minh bạch, hiện chúng ta đã có những cải thiện nhất định, tuy nhiên những yêu cầu về nó vẫn còn rất lớn. Các thông tin về quy hoạch, quy trình, thủ tục, để giải quyết liên quan đến kinh doanh, đã được công khai đến DN. Tuy nhiên, mức độ các tỉnh khác nhau. Hiện nhiều địa phương cũng có website, cổng thông tin, tương tác với người dân, DN. Còn chi phí không chính thức, là điều DN, nhà đầu tư đang quan ngại. Thực tế, chống tham nhũng, sự minh bạch hướng đến môi trường liêm chính, đang là đòi hỏi lớn. Từ không minh bạch, dễ dẫn tới mất chi phí không chính thức, và là môi trường cho tham nhũng. Hiện VCCI đang xây dựng Đề án 12, về tính liêm chính, góp phần chống tham nhũng trong DN, được chính phủ hoan nghênh. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng tin học trong quản lý nhà nước, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp, các thủ tục, giấy tờ, quan liêu… góp phần chống tham nhũng có hiệu quả.

PCI là một hành động từ cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng đề án 30 về cải cách hành chính của Chính phủ. Nó như hai bàn tay cũng vỗ, một bên là áp lực từ khu vực tư nhân, một bên là áp lực từ yêu cầu của Chính phủ đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương.

Nhiều ông chủ tịch tỉnh công khai số điện thoại, sẵn sàng có những buổi đối thoại, cà phê… để giải quyết những vấn đề bức thiết của DN, thế nhưng, cũng có lãnh đạo địa phương chưa có cách nghĩ thế?

Cái này, tùy quy mô từng tỉnh, nhưng thực tế, nhiều lãnh đạo tỉnh thiết lập đường dây nóng, công khai số điện thoại của mình để các DN, người dân, có thắc mắc gì có thể phản ánh. Có địa phương đặt ra năm DN, tháng DN, ngày DN. Họ dành một ngày gặp gỡ, giải quyết vấn đề của DN. Có vị lãnh đạo địa phương, có cải tiến rất nhỏ, thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp: Có ông chủ tịch tỉnh, xung quanh bàn làm việc của mình không có ghế, vì họ muốn DN, người dân đến có thể giải quyết nhanh, chứ để đợi ngồi xuống ghế, lại chuyện nọ, chuyện kia tốn thời gian. Có tỉnh, đoàn của T.Ư đến họ không khẩu hiệu đón, nhưng đoàn của DN, nhà đầu tư đến họ trưng khẩu hiệu lên để hoan nghênh… Đôi khi các tỉnh giống nhau điều kiện, nhưng nhà đầu tư chọn tỉnh này mà không phải tỉnh kia, chính là từ thái độ, tính cầu thị, thân thiện của chính quyền địa phương đó.

Cần có chiến lược ngành, vùng

Vậy, thưa ông, điều kiện tiên quyết nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, tạo tính linh hoạt trong quá trình hội nhập của nền kinh tế?

Cái này, trước hết các địa phương chia sẻ kinh nghiệm. Thực tế, mỗi địa phương có điểm mạnh, yếu của mình, cần tiếp tục hoàn thiện. Cùng đó, là tăng sự trợ giúp của các chuyên gia phân tích, đánh giá, và đưa ra giải pháp, trong đó có tiếng nói của cộng đồng DN. Ở đâu tiếng nói của khu vực DN tư nhân mạnh mẽ, ở đó, tạo nên áp lực, đẩy nhanh quá trình cải cách các địa phương. Do vậy, ngoài việc các địa phương tự soi lại mình, tăng đối thoại, cầu thị, lắng nghe ý kiến của DN, cùng chính quyền tham gia vào hiến kế, phản biện, giám sát để cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Có ý kiến rằng, ở Việt Nam, mỗi địa phương là một vương quốc, cát cứ, hạn chế tính liên kết vùng miền?

Thời gian qua, có thể thấy, tính liên kết, chiến lược phát triển vùng, ngành của ta chưa rõ ràng. Đó là điểm yếu trong điều hành vĩ mô của Chính phủ. Vì thiếu chiến lươc, quy hoạch, nên khi giao quyền cho các địa phương quyết định các dự án đầu tư, đương nhiên xẩy ra tình trạng như vậy, tức là có sự chồng chéo, riêng rẽ, cát cứ. Do vậy, khi phân cấp cho địa phương, phải dựa trên quy hoạch chiến lược ngành, vùng. Mặt khác, có biện pháp nâng cao năng lực thẩm định các dự án, quyết định đầu tư của bộ máy địa phương; và cần sự giám sát của cơ quan T.Ư. Chừng nào để các DN tự mày mò, đặc biệt là DN chúng ta còn nhỏ, khó tránh khỏi đầu tư theo phong trào, không đặt trong xu thế chung của thị trường thế giới, nên có thể thất bại.

MỚI - NÓNG