Doanh nghiệp cổ phần phải được kiểm toán

Doanh nghiệp cổ phần phải được kiểm toán
TP - Ngày 26/11, thảo luận về Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Tài sản công, các nguồn lực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước cần phải được giám sát thông qua hoạt động kiểm toán”.
Theo ĐB Nam, Luật cần quy định rõ mục đích kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước nhằm đánh giá, xác định tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính, việc tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công và nguồn lực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước. Ví dụ việc sử dụng các khoản đóng góp của xã hội thành quỹ phòng, chống thiên tai..., cũng cần được đưa vào diện kiểm toán nhà nước để Quốc hội giám sát. “Hoạt động kiểm toán không nên chỉ tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước, nhà nước nắm cổ phần chi phối, phải kiểm toán đối với tất cả các DN đã cổ phần hóa” - ĐB Nam kiến nghị.

Đồng tình quan điểm này, ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) bày tỏ, nếu chỉ kiểm toán doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà nhà nước giữ cổ phần chi phối thì rất nhiều tài sản nhà nước tại các DN nhà nước không giữ cổ phần chi phối sẽ rơi vào tình trạng không ai kiểm soát.

“Có DN tỷ lệ vốn nhà nước nhỏ, nhưng tổng số vốn lại lớn, nếu không kiểm toán thì cơ quan nào giúp Quốc hội, Chính phủ kiểm tra, đánh giá thực hiện sử dụng vốn của nhà nước tại các DN này? Đặc biệt chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN này”, ĐB Cường kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo ĐB Thân Đức Nam, cần rút ngắn thời gian một lần kiểm toán 45 ngày thay vì 60 ngày như trước đây; tăng khoảng cách kiểm toán 2 năm lên 3 năm một lần, để giảm bớt khó khăn cho DN.

Giúp Quốc hội giám sát

ĐB Cường và một số ĐB cho rằng, hàng năm Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng. Đồng thời, thông qua công tác kiểm toán cũng đưa ra những kiến nghị, giúp các đơn vị được kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác tài chính, ngân sách, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản nhà nước. “Kiểm toán cần cung cấp những thông tin về tình hình quản lý điều hành ngân sách, tiền, tài sản nhà nước cho Quốc hội, Chính phủ và địa phương để quản lý điều hành ngân sách nhà nước, góp phần minh bạch, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia”, ông Cường nói. 

“Hoạt động kiểm toán không nên chỉ tập trung chủ yếu vào các DN 100% vốn nhà nước, nhà nước nắm cổ phần chi phối, phải kiểm toán đối với tất cả các DN đã cổ phần hóa”.

ĐB Thân Đức Nam

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề: “Vậy, đoàn ĐBQH có quyền yêu cầu kiểm toán khu vực tham gia đoàn giám sát của đoàn ĐBQH không? Đoàn ĐBQH có quyền yêu cầu Kiểm toán Nhà nước khu vực giám sát những vấn đề mà đoàn ĐBQH thấy cần phải giám sát không? Đây là những vấn đề Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu”, ĐB Nam kiến nghị.

Một số ĐB kiến nghị, cần công khai các báo cáo kiểm toán, nhưng việc công khai báo cáo đó như thế nào cũng cần quy định minh bạch.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.