Theo phản ánh của các doanh nghiệp, không hiểu căn cứ trên các cơ sở pháp lý và thực tế nào mà thành phố Hải Phòng triển khai thu phí như trên. Việc xây dựng quy trình thu phí mà thành phố Hải Phòng thực hiện là không bình thường, bỏ qua các bước đối thoại trực tiếp với các đối tượng chịu tác động trước khi ban hành.
“Chỉ có một số ít các doanh nghiệp được triệu tập đến dự cuộc họp ngày 31/12/2016 để thông báo quyết định áp đặt mức thu phí và áp dụng ngay từ ngày 1/1/2017. Cách làm trên có phù hợp với các quy định của WTO và các hiệp định quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã ký và đang thực hiện”, đại diện các doanh nghiệp ngành bông sợi đặt vấn đề.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết, chi phí liên quan đến xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại cảng Hải Phòng đã là rất cao, không những so với các nước trong khu vực, mà còn cao hơn cả chi phí tại cảng TPHCM. Nay Hải Phòng lại tăng thêm phí, và sau Hải Phòng sẽ có khả năng nhiều địa phương khác tiếp tục làn sóng tận thu phí.
Cũng theo phản ánh của một số doanh nghiệp sợi dệt tại Thái Bình và Hà Nam, với lượng xuất nhập khẩu từ 150-400 container/tháng, mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đến 2,4 tỷ đồng/năm cho các khoản phí tăng thêm, chưa kể chi phí đi lại và chờ làm thủ tục.
“Việc thành phố Hải Phòng ra quyết định thu phí sử dụng công trình hạ tầng công cộng tại khu vực cảng Hải Phòng có thể xem xét là hành động đi ngược lại với nỗ lực của Chính phủ, làm mất lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, gây tác động bất lợi đến môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Tuấn nói. Ông cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho tạm dừng áp dụng quy định thu phí của thành phố Hải Phòng.
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, năm 2016, ngành xơ sợi đã nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông xơ, 862.000 tấn xơ sợi, xuất khẩu trên 1,15 triệu tấn xơ sợi các loại với tổng giá trị 2,89 tỷ USD.