Chỉ có vài lần anh đứng lên để trò chuyện cùng khán giả. Phải có một nguồn năng lượng cùng sự say mê lớn lao mới có thể đảm đương được những trọng trách kiểu như vậy.
Bảo cho hay anh cùng các cộng sự đã chơi hàng triệu nốt nhạc và giơ hai ngón tay diễn tả độ dày của tập tổng phổ mà dàn dây phải thể hiện… Một mình bao la cũng là chương trình có thời gian tập luyện thuộc loại khủng - 3 tháng liên tục.
Nhạc Đỗ Bảo có vẻ không đại chúng nhưng số lượng khán giả của anh vẫn đủ để lấp đầy những khán phòng lớn như Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ảnh: BTC. |
Hệ sinh thái Đỗ Bảo
Nhạc sĩ lý giải chương trình dài một phần vì ca sĩ nào cũng muốn hát nhiều bài. Kể cũng lạ. Hình như nhạc càng khó càng kích thích mong muốn lao động sáng tạo của nhạc công cùng ca sĩ.
Có thể thấy trong vài tháng qua Đỗ Bảo đã tạo dựng được một hệ sinh thái đặc biệt và tách biệt với hoàn cảnh chung. Anh tạo cơ hội cho đồng sự được làm việc hết mình tiệm cận đỉnh cao trong nghệ thuật. Đỗ Bảo có thể coi là nhạc sĩ mà sự nghiệp chỉ hướng tới cái đích nghệ thuật hoặc nói một cách dễ hiểu là viết những gì anh cho là hay, chứ không chạy theo một xu thế nào.
Thực ra Bảo vẫn viết những bài hát theo đặt hàng, về các ngành nghề chẳng hạn. Nhưng anh tách biệt hoàn toàn với những gì thuộc về sự nghiệp. Số lượng sáng tác dòng chủ lực của anh cũng dư giả để không phải dùng đến những sáng tác đó trong những dự án chính thức mang thương hiệu cá nhân.
Tấn Minh nhận trọng trách chuyển tải ba ca khúc mới trong đêm nhạc Một mình bao la |
Trong đêm Một mình bao la anh công bố tới 6 bài mới. Đây là điều khá hiếm hoi trong cách thức tổ chức biểu diễn. Mang các bài hát quen thuộc ra bán vé sẽ yên tâm hơn. Đỗ Bảo xem ra độ tự tin cao hơn… Nhưng với người nghe Đỗ Bảo, có khi bài mới lại là chất kích thích để họ đến với show sau khá nhiều năm không có gì mới từ thần tượng để “nhâm nhi”.
Đáng chú ý có Chỉ cho tôi (Gigi Hương Giang) viết về một tình yêu đơn phương của người con gái ở Sài Gòn dành cho người đàn ông đã có gia đình… Đây có khi là lần đầu tiên, tác giả hé lộ một chút về đời tư ngoài âm nhạc. Chúng ta được biết nhạc sĩ từng rất đào hoa cho đến khi chọn cho mình một ý trung nhân và quyết định “trung thành” với lựa chọn đó. Nhớ chiếc hồn trong (Tấn Minh) cũng là một bản ballad ngọt ngào diễn tả sự nhung nhớ quãng đời thơ ấu.
Cứ mãi ngây thơ và biết đợi chờ ra dáng một bài hát “chữa lành” động viên những tâm hồn trong trắng còn sót lại… Tôi khóc biển xưa vẫn làm người hát (Thanh Lam) và người nghe phân vân không rõ tác giả viết về môi trường hay “tình trường”.
Hoàng Dũng và Gigi Hương Giang thể hiện Cứ mãi ngây thơ và biết đợi chờ. Ảnh: BTC |
Còn hai bài dành cho album sắp ra mắt của Tấn Minh Một mình bao la và Mắt ngày thăm thẳm nếu nghe một lần chắc chưa thể định hình về những gì tác giả muốn truyền đạt (nhất là khi chúng được cất lên vào giờ mà những đêm nhạc khác đã hạ màn từ lâu)… Đỗ Bảo vẻ như có khả năng viết tản văn bằng âm nhạc, khi anh đi vào những góc cảm xúc hoặc nhận thức khá vi mô trong mỗi con người.
Đêm nhạc tại Hà Nội vắt từ 25 sang 26/11 khi kết thúc vào tầm 12 rưỡi. Ảnh: BTC |
Chương trình bao gồm cả những sáng tác đã lâu, phát hành rồi nhưng nghe vẫn còn khá mới mẻ. Vì bên cạnh những bài giai điệu đẹp, rõ nét anh có không ít bài khá trúc trắc, chuyển giọng liên tục chẳng hạn. Về lời cũng thế, có những bài đơn nghĩa nghe cái hiểu ngay. Nhưng cũng không ít những bài diễn tả những nội dung khá siêu hình, ẩn dụ.
Dù viết kiểu gì cũng đều phải công nhận bút lực của tác giả thật dồi dào. Các sáng tác thường không theo cấu trúc nhắc lại thông thường mà nhạc và lời cứ thế tuôn chảy, dễ dàng chuyển thành khí nhạc (như bài mở màn Chuyện của Mặt trời chuyện của chúng ta).
Thế giới âm nhạc của Đỗ Bảo không thể tường tận trong ngày một ngày hai. Có lẽ cũng vì thế mà anh nuôi được một sự thôi thúc khám phá trong người nghe. Thường âm nhạc hay nghệ thuật muốn chán chí ít ta phải cắt nghĩa được tác phẩm đã. Nhưng để quen, để ngấm nhạc Đỗ Bảo cũng phải mất kha khá thời gian.
Và nhiều khả năng sau khi bỏ ra chừng ấy thời gian người nghe sẽ yêu luôn thứ âm nhạc kỹ lưỡng đó. Vì thế trong đêm nhạc nảy sinh khái niệm hâm mộ riêng một bài hát - như Bài ca tháng Sáu. Một ca sĩ từ hàng ghế khán giả cho hay “mê muội” tất cả phần hòa âm phối khí trong đêm nhạc: “Nghe có những đoạn không muốn thở mạnh để giữ nguyên cảm xúc”.
Đỗ Bảo chuyên viết tình ca và đi vào những đề tài có tính nhân sinh đôi khi khó gọi tên. Giá vé Một mình bao la có thể không rẻ, bù lại khán giả được thưởng thức tới 36 ca khúc. |
Trẻ hóa và hợp cạ
Sân khấu Một mình bao la có gần đủ mặt các ca sĩ gắn bó cùng Đỗ Bảo trong suốt 20-30 năm qua: Hà Trần, Tấn Minh, Hồ Quỳnh Hương, Tùng Dương, Nguyễn Ngọc Anh, Thanh Lam cùng những giọng ca trẻ Trung Quân, Uyên Linh, Lân Nhã và trẻ hơn nữa như Hoàng Dũng, Gigi Hương Giang.
Có thể thấy không chỉ trải dài về lứa tuổi, các giọng ca này còn đa dạng về cách biểu hiện. Nhiều vụ tráo hit gây nên sự thú vị như Mây thay vì Tùng Dương được giao cho Trung Quân (đêm nhạc tại TP.HCM), hay Thanh Lam chứ không phải Nguyễn Ngọc Anh hát Chìm trong muôn thuở, Hồ Quỳnh Hương thay Nguyên Thảo thể hiện Thời gian để yêu…
Những giọng hát thế hệ mới nhìn chung đều thành công trong việc tái hiện nhạc Đỗ Bảo theo hướng nhẹ nhàng, tình cảm, dễ nghe. Tuy nhiên đến những màn cần bùng nổ vẫn phải trông vào các ca sĩ như Tùng Dương hay Thanh Lam.
Thanh Lam và Hà Trần mỗi người đem đến một màu sắc cho nhạc Đỗ Bảo. |
Đỗ Bảo cho hay anh theo dõi khá kỹ và chỉ mời những giọng ca trẻ nào "hợp khẩu vị" |
Nhiều nhạc sĩ ngày nay bao giờ cũng muốn tác phẩm của mình được nhiều giọng ca thể hiện, qua đó tiếp cận đa dạng khán giả. Nhưng nhìn chung mỗi nhạc sĩ vẫn sẽ có một vài giọng ca hợp cạ, giống như sinh ra để làm phát ngôn viên cho họ vậy.
Đỗ Bảo - Hà Trần có thể xem là một cặp bài trùng. Dù đứng trong dàn ca sĩ nhiều thế hệ, nhiều màu sắc nhưng Hà Trần vẫn có vị thế riêng. Ưu điểm đầu tiên là lối nhả chữ gọn gàng, nét cả về giai điệu và ca từ. Với tác giả dụng công khi đặt bút như Đỗ Bảo, yếu tố “tròn vành rõ chữ” không thể xem thường.
Kết thúc chương trình Đỗ Bảo nói đại ý rằng tưởng làm show để trả nợ ân tình của khán giả ai dè còn cảm thấy mắc nợ nhiều hơn nữa. Cũng có thể vì tổ chức chương trình lúc này quá tốn kém cần nhiều sự hỗ trợ. Nhưng cũng do đòi hỏi chính đáng từ khán giả rằng nhạc sĩ phải xuất hiện thường xuyên hơn nữa.
“Đỗ Bảo đã đi đến tận cùng cuộc chơi âm nhạc của mình theo cách riêng mà không phải cân nhắc việc nó hướng tới tính đại chúng hoặc theo những mô hình thành công của những nhạc sĩ đi trước. Đêm nhạc 25/11 mang đến cho tôi sự tự hào vì nó có thể tự tin trình diễn tại bất cứ nơi đâu trên thế giới bởi tất cả yếu tố nghệ thuật cũng như kỹ thuật công nghệ được áp dụng” - nhạc sĩ Minh Đạo