Nhạc sĩ Đỗ Bảo:

Thời âm nhạc thuộc về… A.I

TP - Những người hâm mộ Đỗ Bảo phải chờ 10 năm kể từ liveshow đầu tiên đến nay anh mới lên lịch làm chương trình riêng thứ hai, dự kiến diễn ra vào tháng 11 ở cả Hà Nội và TPHCM. Thế mạnh của Đỗ Bảo là tình ca nhưng trong thực tế anh không yêu nhiều mà chỉ dành nhiều tình yêu cho một người…

Là một trong vài nhạc sĩ đi đầu trong việc ra mắt những dự án (album, liveshow) riêng do mình nắm giữ bản quyền, anh nghĩ sao về mức độ tham vọng, và… tham lam của mình?

Anh khiến tôi giật mình khi nhắc đến vấn đề bản quyền đi đôi với tham vọng hay tham lam - là những thứ tôi đều hầu như không nghĩ đến đủ nhiều mỗi khi làm một album hay một liveshow riêng. Làm album hay liveshow nhạc tác giả với tôi luôn là thú vui, bởi nó là cách hữu hiệu để một tác giả đi sâu vào sáng tác, có chuỗi tác phẩm rõ rệt, cũng là cách xác định tư cách một tác giả, đặc biệt là trong môi trường âm nhạc mà thật ra giới tác giả vốn có rất ít cơ hội để tham lam. Sáng tác nhạc là công việc nghèo nhất trong tương quan so với các nhóm khác trong ngành, người ta yêu thích và chọn công việc này là bởi số phận và tự nhiên thôi. Sự giàu có hay thành công của tác giả thường nằm ở nhiều giá trị tinh thần, ở đó bản thân anh ta không nhất thiết phải ở trung tâm của đám đông hay có một thu nhập mà mọi người mơ ước.

Thời âm nhạc thuộc về… A.I ảnh 1

Nhạc sĩ Đỗ Bảo và ca sĩ Hồ Quỳnh Hương tại liveshow Cánh cung 2013. Ảnh: N.M.Hà

Ý tôi chỉ là anh thường “làm tất ăn cả” trong các dự án cá nhân dẫn tới quá tải như đêm nhạc Cánh cung trước đây - dù được mời vào TPHCM diễn tiếp nhưng chỉ vì chủ nhân đã quá mệt mỏi nên không thể nhận lời. Nhưng hai đêm nhạc sắp tới tình hình sẽ khác vì có ê-kíp độc lập đứng ra hỗ trợ?

Mười năm trước tôi không thể không tự làm tất, bởi tôi muốn chương trình hoàn toàn thỏa mãn các tiêu chuẩn hay hiểu biết của mình, trong đó nhiều việc trong khâu tổ chức hay sản xuất là lần đầu tiên áp dụng so với các chương trình lúc đó và trước đó. Tôi khẳng định Cánh cung 2013 là sô ca nhạc mà dàn nhạc chơi tổng phổ kỹ đến từng nốt từng bè tất cả các bài. Đó là khác biệt rất lớn, rất khác với cách hòa âm áng chừng rồi thống nhất miệng giữa ban nhạc trên một bản nhạc giới hạn vốn rất phổ biến hồi đó. Đó cũng là lý do mà đến nay nghe lại audio hậu kỳ của Cánh cung 2013 tôi vẫn thấy nó đáp ứng đầy đủ các chuẩn về một chương trình âm nhạc.

Thời âm nhạc thuộc về… A.I ảnh 2

Nhạc sĩ Đỗ Bảo ghi dấu ấn từ loạt bài Bức thư tình được đánh số từ 1 đến 5 và sẽ còn tiếp tục

Tôi không bao giờ muốn và được phép nói rằng nhạc của mình hay, nhưng tôi chắc chắn được rằng xưa nay vẫn đòi hỏi chương trình đạt đến chất lượng sản xuất và nghệ thuật cao nhất, tỉ mỉ nhất, ở đó nhất thiết phải có sự tôn trọng âm nhạc, tôn trọng khán giả cao nhất theo hiểu biết và điều kiện mình có tại mỗi giai đoạn.

Giờ là lúc tôi tiếp tục có thể toàn tâm toàn ý cho sô cuối năm của mình. Bây giờ công nghệ sản xuất chung trong giới nhạc đã ở trình độ cao và được cập nhật rộng rãi, nên gần đây tôi có thể chỉ tập trung vào âm nhạc còn mọi việc khác không quá khó để có những đội ngũ sản xuất giỏi sáng tạo thể hiện. Đây là xu thế và điều kiện vào lúc này, tôi và nhà sản xuất chỉ cần có những thỏa thuận chặt chẽ về nội dung và hình thức chương trình, bản quyền bản ghi…

Tuy nhiên vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, nên tôi cũng chưa hoàn toàn chắc chắn là chương trình sẽ diễn ra.

Dường như Đỗ Bảo không còn sản sinh ra những bài bản hit dễ nghe, dễ hiểu và cũng rất hay như Bức thư tình đầu tiên, Thời gian để yêu, Mây, Những khung trời khác, Bài hát cho em… như ở thời kỳ đầu. Có khi nào anh lo lắng về độ đại chúng của mình đang giảm dần, tính thách thức với người nghe tăng lên?

Tính đại chúng trong sáng tác nhiều năm trở lại đây có những thay đổi rất rõ rệt, bởi công nghệ thông tin truyền thông. Bây giờ chúng ta có thật đông đảo những nghệ sĩ độc lập, thậm chí không chuyên, hoặc tay ngang vẫn đang có những tác phẩm có lượt nghe vượt trên hết phần lớn nhóm âm nhạc chủ lưu. Tính đại chúng lúc này đang bão hòa trước khi hoàn toàn bão hòa trong tương lai khi tới đây AI hay robot sẽ làm thay con người hầu hết mọi việc, sáng tác hòa âm, kể cả trở thành thần tượng biểu diễn.

Tôi không lo lắng về độ đại chúng của mình, nhưng không có nghĩa là tôi xem nhẹ đại chúng. Nghệ sĩ ai cũng cần tính đại chúng. Tôi viết nhạc vì tôi yêu thích công việc này, tôi có thể làm tốt và vui trong công việc ấy, còn việc đạt đến độ đại chúng nào lại thuộc về đại chúng.

Gần đây anh có duyên làm giám đốc âm nhạc những chương trình tôn vinh các tên tuổi thuộc thế hệ trước. Anh rút ra bài học gì sau những chương trình này? Có điều gì còn khiến anh tiếc nuối vì chưa làm được như ý mình?

Tôi sản xuất âm nhạc 30 năm qua với đủ dạng chương trình, trong đó rất nhiều chương trình âm nhạc của các tác giả thế hệ trước: Ngọc Đại, Phó Đức Phương, Thanh Tùng, Trần Tiến, Hồng Đăng, An Thuyên, Phú Quang… hay gần đây nhất là nhạc sĩ Văn Cao. Lợi ích lớn nhất tôi có được từ đó là sự kết nối về mặt tinh thần giữa mình với các nhạc sĩ đi trước, kèm theo những mục tiêu hay lợi ích đời thường khác. Sự gắn kết, tiếp nối, kết nối cho tôi một nguồn cảm xúc đủ phong phú về âm nhạc muôn hình muôn vẻ của các thế hệ, những kinh nghiệm sáng tác, triết lý sống với âm nhạc. Điều này cho tôi sự tự tin rằng tôi đủ tư cách để mơ đến tương lai, khi cũng luôn trân trọng nâng niu quá khứ. Điều này là vô giá, hoặc rất đắt, tôi hầu như không có gì ân hận tiếc nuối với mọi trải nghiệm đã có.

Ít hoạt động trên mạng xã hội, anh có cách nào để cập nhật thị hiếu khán giả? Theo anh, khán giả yêu thích và dõi theo anh vì điều gì? Liệu họ có yêu thích đến mức anh làm ra bất cứ cái gì cũng được công nhận và khen ngợi?

Tôi chỉ cập nhật thông tin trong một tầm quan sát tương đối hẹp, cũng không chắc khán giả theo dõi mình vì điều gì. Tôi nghĩ họ cũng không thật đông đảo và chắc là theo dõi tôi vì tác phẩm của tôi, ngoài ra họ cũng muốn biết chút gì về đời sống âm nhạc qua cái nhìn cảm nhận của tôi. Còn công nhận hay khen ngợi của mọi người dành cho tôi cũng tùy lúc, tôi không thấy mình giống như được yêu thích mà giống như được tin tưởng và cảm mến nhiều hơn.

Anh nhận định gì về tương lai của nhạc Việt? Chúng ta có nên áp dụng các công thức của Kpop vào Vpop?

Tôi không tìm hiểu cặn kẽ cách làm của Kpop, nhưng tôi cho rằng nhiều năm trở lại đây Vpop vẫn chịu ảnh hưởng và học tập Cpop và Kpop liên tục, bao gồm cả điều hay lẫn điều không hay, do đó Vpop chắc chắn rồi tương lai sẽ đi qua những gì Kpop đang có, đang thể hiện hôm nay. Và dù bão hòa hay phát triển thế nào, chừng 10-20 năm nữa, giới nghệ sĩ âm nhạc sẽ rất nhàn bởi công nghệ AI cùng robot sẽ tham gia sâu rộng trong quá trình sản xuất biểu diễn, thậm chí cả sáng tác. Và một số đất nước nắm chắc công nghệ này sẽ sản xuất âm nhạc đủ dùng cho hầu hết thế giới. Nói chung con người khi đó sẽ nhàn hơn nhiều, chỉ có điều không biết chất lượng sống sẽ như thế nào…

Thời âm nhạc thuộc về… A.I ảnh 3

Đỗ Bảo còn là cái tên ghi dấu ấn trong lĩnh vực phối khí và sản xuất âm nhạc. Ảnh: NVCC

Hôn nhân ổn định, viên mãn với anh là điều thuận lợi hay hạn chế nhiều hơn đối với viết tình ca? Anh có hay phải tưởng tượng ra các hoàn cảnh thất tình, ngoại tình… để viết thành ca khúc?

Câu hỏi này mà đem ra hỏi các ca sĩ hay nghệ sĩ chơi nhạc nữa thì tất cả chúng tôi sẽ cười phá lên mất... Tôi có một cuộc sống riêng ổn định, còn viên mãn thì không biết thế nào. Việc viên mãn hay ổn định dĩ nhiên đều có chút hạn chế cho các tác giả viết tình ca nhưng đó không phải là hạn chế đáng nói đến nhất. Cản trở lớn là khi người viết ca khúc quá chai lì trong đời sống, để những thói đời làm mình trở nên quá thực tế hay quá khôn. Sáng tác ca khúc cần nhiều hồi hộp rung cảm, kể cả rung cảm trong mơ tưởng, bởi chưa chắc hiện thực luôn cho anh chất liệu tốt nhất cho tác phẩm.