Hà Trần - "nàng thơ" trong âm nhạc của Đỗ Bảo
Đêm nhạc Phú Quang Đỗ Bảo khép lại bằng những lời hát mở đầu trùng với tên bài Em ơi Hà Nội phố nhưng được chơi lại theo phong cách rock giao hưởng cùng màu sắc nhạc kịch.
Trước đó là giai điệu réo rắt của Những mùa đông yêu dấu. Đúng là chỉ Đỗ Bảo mới có thể kết hợp hai bài này (cũng như Điều giản dị và Bức thư tình đầu tiên) theo kiểu lắt léo như vậy. Các ca sĩ phải căng đầu ra để khớp câu này của bài này vào với câu khác của bài kia trên một nền nhạc thay đổi liên tục. Bè cũng tráo đổi không ngừng.
Hà Trần cùng Tấn Minh song ca Chuyện của mặt trời chuyện của chúng ta. Ảnh: BTC |
Nhạc sĩ cẩn thận viết luôn phần bè cho ca sĩ. Trần Thu Hà tiết lộ Đỗ Bảo thuộc tất cả bài hát của mình (tất nhiên điều này không đáng ngạc nhiên nếu như lời của Bảo không phức tạp đến thế) nên ca sĩ mà hát sai là bị bắt lỗi ngay.
Trên sân khấu đêm 21/4 sau khi hát Những khung trời hát, cô nói vui, chuẩn bị tinh thần vào trong cánh gà có thể bị nhạc sĩ "cấu hai phát" vì hai chỗ hát chưa chuẩn lời. Đây là sáng tác quen thuộc của Đỗ Bảo nhưng vốn dành cho Nguyên Thảo.
Qua chương trình này, có thể khẳng định vị trí “nàng thơ” trong âm nhạc của Đỗ Bảo của Hà Trần. Mặc dù mỗi ca sĩ sẽ mang lại một phong vị lạ, khai thác những chiều kích thú vị khác nhau cho tác giả nhưng Hà Trần có lẽ vẫn lột tả được hầu hết cung bậc cảm xúc trong nhạc Đỗ Bảo với một độ tinh tế và đồng điệu hiếm có.
Ca sĩ Ngọc Anh: "Đúng là khi tôi bước vào nhạc của chú Phú Quang, tôi chưa được mọi người yêu thương ngay. Tôi được khán giả yêu thương như này vừa bởi qua tác phẩm của Phú Quang, nhưng tôi có thể tự tin nói một điều vì cả lòng trung thành của tôi dành cho nhạc của chú". |
Tấn Minh không chỉ nhận được sự tín nhiệm của các hai nhạc sĩ (nhạc mục của anh chia đều cho cả hai tác giả) mà còn thể hiện khả năng dẫn dắt. Có khi hơn cả một MC chuyên nghiệp vì anh là người trong nghề, trong cuộc. Vì thế, những phần giao lưu khá dài giữa chương trình không gây nhàm chán mà còn làm rõ thêm mối quan hệ hữu cơ giữa nhạc sĩ và ca sĩ ruột của mình.
Hà tất nhiên không phải trường hợp duy nhất gặp trắc trở về lời trong đêm 21/4. Nhưng về âm nhạc nói chung, cả bốn ca sĩ đều đã cố gắng để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe không chỉ từ phía giám đốc âm nhạc mà từ cả bản phối.
Vì bản phối đó phải hát đạt tới đẳng cấp đó nếu không muốn bị lép vế hoặc văng ra ngoài. Và tất nhiên giám đốc âm nhạc cũng chọn lựa những giọng hát với kỹ thuật, bản lĩnh hàng đầu để có thể đối thoại với âm nhạc của anh.
Con gái nhạc sĩ Phú Quang - nghệ sĩ piano Trinh Hương đệm cho Ngọc Anh trong một tiết mục. |
Kịch tính hóa nhạc Phú Quang
Âm nhạc của đêm nhạc sẽ đặc biệt lôi cuốn những ai không chỉ nghe phần hát mà cả phần nhạc. Các bản phối đều được trau chuốt như những khúc hòa tấu, lấy đà từ ca khúc mà đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm theo nhiều phong cách khác nhau.
Đêm nhạc có hai cao trào là phần bùng nổ của “núi lửa” Thanh Lam với Đâu phải bởi mùa thu, Rock buồn và Hà Trần từ tung tẩy tới sâu lắng, khắc khoải với jazz trong Những khung trời khác và Biết mãi là bao lâu.
Tất nhiên ca khúc Đỗ Bảo sẽ tương hợp với bản phối của chính tác giả. Tuy nhiên chương trình vẫn giữ dấu ấn của Phú Quang - cũng là một người cẩn trọng về bản phối. Trong không ít bài, những câu dạo quen thuộc của Phú Quang vẫn đưa khán giả về với khung trời hoài niệm. Ngoài ra bản phối gốc của Phú Quang vẫn được Đỗ Bảo làm mới bằng âm sắc nhạc cụ, sự phong phú của dàn nhạc hoặc xáo xới tiết tấu để tạo ấn tượng mới.
Tấn Minh vẫn là giọng nam được ghi nhận với âm nhạc Đỗ Bảo. |
“Chúng tôi học chung từ hồi mười mấy tuổi ở trường Nghệ thuật Hà Nội. Chúng tôi được học nhạc nhẹ khá sớm, nên nhiều bài thi học kỳ của sinh viên thanh nhạc đều có ban nhạc Sao Mai của Đỗ Bảo và các anh em ngồi đây như Quốc Long, Sơn Hải... đệm cho. Mối quan hệ của tôi với Bảo bắt đầu từ đó và ngày càng sâu sắc. Cả hai luôn chia sẻ với nhau những ước mơ trong nghệ thuật. Vì thế tôi được nghe những sáng tác đầu tiên, được vỡ bài chung với nhau và có ý kiến qua lại.
Những gì đậm đà nhất dành cho âm nhạc rồi. Có câu chuyện tôi từng kể và vẫn được các fan bàn tán rôm rả là hai anh chị đi cà phê với nhau, chả có chuyện gì nói, nhạc sĩ bèn lôi móng tay ra cắt. Người chơi piano móng tay lúc nào cũng phải ngắn mà.
Hồi xưa Bảo hay tặng Hà đồng hồ đeo tay. Có khi người tặng không nghĩ tại sao tặng mà người nhận cũng chẳng nghĩ tại sao nhận, thấy đẹp thì đeo thôi. Việc bền bỉ đồng hành đến hôm nay và có thể đến cả khi lên lão là câu trả lời.
Để có được một album chung biểu diễn trên sân có thể mất 10 năm, nhưng sức sống dòng âm nhạc của hai người bạn vẫn còn luôn ở đó gọi là 'thi gan cùng tuế nguyệt’. Nên đồng hồ có ý nghĩa như thế. Hóa ra ra anh này rất thâm sâu” - Hà Trần nói về Đỗ Bảo.
Hà Nội mùa chuyển đánh dấu sự trở lại của "thương hiệu" phối khí, dàn dựng, tổ chức Đỗ Bảo sau cả chục năm tập trung sáng tác. Anh luôn đưa ra tiêu chuẩn khắt khe nhất cho một buổi hòa nhạc. Và để đáp ứng được nó, theo nhận định của Tấn Minh, các ca sĩ phải thường phải bỏ ra gấp đôi thời gian so với chương trình âm nhạc khác. Và tất nhiên khi đáp ứng được đòi hỏi của Đỗ Bảo các ca sĩ cũng sẽ dễ chạm tới “nóc” của nghệ thuật.
Tất nhiên không phải khán giả nào cũng đồng cảm ngay với cách làm mới nhạc Phú Quang của Đỗ Bảo. Nhưng có lẽ họ thuộc số... không mua vé để xem Hà Nội mùa chuyển - tên chương trình do nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đặt. Còn nhiều khán giả trong chương trình có khi chỉ nghe thấy tên bài hát thôi đã vỗ tay rồi.
Hà Nội mùa chuyển về nhiều mặt tạo dấu ấn như một sự kiện văn hóa đúng như kỳ vọng của tổng đạo diễn Phạm Hoài Nam. Ảnh: BTC. |
Họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn tiếp tục trung thành với phong cách tối giản trong thiết kế sân khấu. Lần này anh chỉ dùng vài nét phác để cho thấy sự lô nhô của mái phố Hà Nội xưa hay bóng dáng cầu Long Biên.
Phần đầu chương trình, tên của hai nhạc sĩ tỏa sáng nhờ hiệu ứng chiếu đèn qua những ô chữ đục thủng gây thú vị cho khán giả. Cách làm này tiếp tục được phát huy ở một sắp đặt khác tại sảnh Nhà hát Lớn.
Trong giờ giải lao giữa hai phần (cũng là để thay sân khấu), nhiều khán giả say sưa chụp ảnh cùng tác phẩm đèn lồng trên đó tên các bài hát của Phú Quang và Đỗ Bảo được khắc bằng ánh sáng.