Di sản văn hóa Việt Nam là trụ cột phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Diễn đàn bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững" là dịp để chuyên gia trong nước, quốc tế đánh giá và đề xuất giải pháp phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch quốc gia.

Đây là sự kiện điểm nhấn trong chuỗi sự kiện của Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ, Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Diễn đàn bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững diễn ra sáng 22/4 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ (TP. Việt Trì).

Nhà tổ chức mong muốn kiến tạo một không gian khoa học để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nghiệp, doanh nhân và tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa trong lộ trình thúc đẩy du lịch gắn với phát triển bền vững ở Việt Nam.

Di sản văn hóa Việt Nam là trụ cột phát triển du lịch ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc. Ảnh: Trần Huấn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương khẳng định các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu.

"Những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua được UNESCO và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Sáng kiến tổ chức Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững thể hiện trách nhiệm, cũng như tầm nhìn của Việt Nam trong bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nêu.

PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh tầm quan trọng của phát huy giá trị di sản văn hóa trong chiến lược định vị thương hiệu du lịch quốc gia.

Di sản văn hóa Việt Nam là trụ cột phát triển du lịch ảnh 2

Đại diện Cục Di sản văn hóa kiến nghị một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch ở Việt Nam trên cơ sở lấy di sản văn hóa làm trụ cột. Ảnh: Trần Huấn.

"Việc tham gia các Công ước của UNESCO về văn hóa không chỉ thể hiện tinh thần hòa nhập của Việt Nam cùng bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai, phục vụ phát triển du lịch bền vững còn hướng đến mục tiêu chung góp phần duy trì hòa bình, an ninh trên cơ sở thắt chặt sự hợp tác giữa các dân tộc thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa...", Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường, đẩy mạnh phát triển du lịch ở Việt Nam trên cơ sở lấy di sản văn hóa làm trụ cột.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền đề xuất tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận, ghi danh các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam là di sản thế giới, trong đó, đặc biệt chú trọng đến những khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường nghiên cứu, làm nổi bật các giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp cảnh quan của các di tích, di sản và lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu.

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay có hơn 4 vạn di tích, trong số đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.614 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 483 di sản được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 09 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và 265 bảo vật quốc gia.

PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền dẫn chứng trường hợp Khu phố cổ Hội An. Chính quyền và nhân dân Hội An đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới, đạt kết quả nổi bật, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ gần 879.000 khách năm 2006 đến năm 2019 tăng lên gần 2,5 triệu lượt người. Sau 20 năm Khu phố cổ Hội An trở thành Di sản thế giới, du lịch ở Hội An tăng vượt bậc, chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu di sản văn hóa là nguồn lực quý giá, tạo ra động lực, thương hiệu, sự phát triển mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam.

"Các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản được ghi danh ở cấp độ quốc gia và quốc tế đều trở thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch, mang đến cho Việt Nam nhiều giải thưởng quốc tế, gần đây nhất là bình chọn Điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022", ông Hà Văn Siêu nói.

Di sản văn hóa Việt Nam là trụ cột phát triển du lịch ảnh 3
Các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như hát Then, hát ca trù, nghệ thuật xòe Thái, dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhã nhạc cung đình Huế... được tôn vinh tại chương trình khai mạc Lễ hội đền Hùng 2023. Ảnh: Minh An.

Chuyên gia hàng đầu thế giới về "tình yêu thương hiệu" GS. Aaron Ahuvia (đến từ Đại học Michigan, Mỹ) nhận định du lịch Việt Nam có những phát triển vượt bậc những năm qua. Tuy nhiên ông góp ý du lịch Việt Nam cần chú trọng tăng thêm lượng khách từ phương Tây để cải thiện sức cạnh tranh với các nước lân cận. Các hoạt động du lịch cần thực hiện một cách bền vững, quy củ.

Tuần lễ Văn hóa - Du lịch đất Tổ kéo dài từ ngày 21-28/4 tại TP. Việt Trì (Phú Thọ) với 5 sự kiện, hoạt động chính: Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hội nghị - Hội thảo Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam.

MỚI - NÓNG