Trên phương diện phát hành, việc được đề cử Oscar chắc chắn là một may mắn khiến Những đứa trẻ trong sương gặp được nhiều khán giả hơn. Những buổi chiếu nội bộ của phim thường không còn chỗ để ngồi. Nhưng phát hành rộng rãi lại là chuyện khác. Tôi dự buổi chiếu sáng 17/3, cả phòng có 5 khán giả, hầu hết là người trẻ. Họ ngồi chờ từ sớm, khi hết phim có người còn vỗ tay khe khẽ.
Những thời khắc kịch tính nhất trong cuộc đời của thiếu nữ Mông được lưu giữ sống động trong Những đứa trẻ trong sương. Ảnh: HÀ LỆ DIỄM |
Với họ, 93 phút phim chắc là còn hơi ngắn. Cộng với cái kết có phần chơi vơi, rồi ngay đầu phim tác giả đã nói không biết nhân vật biến đi đâu (phim là những gì quay được từ 3 năm trước) khiến khán giả muốn xem thêm phần hai. Nhưng chắc điều đó khó xảy ra vì quãng thời gian độc đáo trong đời một cô gái Mông chỉ diễn ra trong có 3-4 năm ngắn ngủi đó. Hà Lệ Diễm khéo léo và kiên nhẫn giữ lại trong những thước phim chân thực mà vẫn đẹp đến nao lòng.
Cái đẹp của cuộc sống tự nhiên không theo kiểu được tô vẽ rồi nhân bản trong những thước phim du lịch. Khán giả được thấy thực sự người Mông sống và yêu, suy nghĩ thế nào, ăn mặc ra sao… Di - nhân vật chính tâm sự với Diễm rằng, cô không hối tiếc khi là một người Mông dù cô biết để làm một người Mông phải nỗ lực rất nhiều.
Đặc biệt trong chuyện tránh “sống gấp” như những thế hệ đi trước: nghĩa là dễ dàng chấp nhận phong tục bắt vợ để rồi nhanh chóng kết thúc tuổi thiếu niên để bước vào hôn nhân. Một tuần tự không đổi mà Di có thể nhìn thấy ngay nếu đồng ý tuân thủ. Nhưng qua việc đến trường cũng nhờ điện thoại nối mạng, Di đã được biết có những thế giới khác. Cô còn mong ước đưa mẹ mình đến đó…
“Những nhà làm phim tài liệu đôi khi gặp trở ngại khi cố gắng thiết lập mối quan hệ thân thiết với các nhân vật trong phim. Chính việc đó lại gây cản trở đến vai trò đạo diễn của họ. Nhưng Diễm với phim dài đầu tay đã dàn xếp một cách xuất sắc sự cân bằng đầy khó khăn đó; phân định cảm xúc rõ ràng mà không cố ép bản thân vào câu chuyện cảm động của cô bé người Mông kẹt giữa thời thơ ấu và sự trưởng thành, giữa văn hóa truyền thống và hiện đại” - nhận xét của BGK LHP Tài liệu Quốc tế Amsterdam (IDFA) về Những đứa trẻ trong sương.
Phần đông chúng ta đến với miền núi, với đồng bào thiểu số trong tâm thế du lịch, bằng lòng với những gì họ phô ra rồi yên tâm ra về. Vì thế phải cảm ơn những người như Hà Lệ Diễm đã vén tấm màn huyền bí để chúng ta cũng như cô, trở thành bạn của những nhân vật cá tính, thú vị. Nếu không có Diễm, chúng ta sẽ không vượt qua được rào cản ngôn ngữ, phong tục…
Chúng ta không "có gan” để ba cùng với họ trong ba năm để hiểu tận chân tơ kẽ tóc những vấn đề họ đang phải đối mặt. Tuy vấn đề khác nhau tùy truyền thống, quan niệm văn hóa nhưng câu "Ta đã làm chi đời ta" (Vũ Hoàng Chương) đều có thể mang ra chiêm nghiệm...
Người ngoài nhìn vào sẽ thấy vấn đề rất dễ giải quyết, không có gì phải bàn cãi, nhưng khi trong cuộc ta sẽ giống như con cá bị mắc trong búi lưới do chính mình dự phần tạo ra. Gọi “những đứa trẻ trong sương" giống một cách nói giảm nhẹ, kiểu hơi lãng mạn hóa. Đúng hơn phải là trong sương mù hoặc trong mây. Vừa đúng hoàn cảnh nhân vật, vừa đúng thực tế cảnh quan. Nhưng mây mù dù có dày nặng đến đâu rồi cũng có lúc tan…
Có khoảnh khắc dường như đạo diễn kiêm quay phim đã không thể đứng ngoài cuộc, định xông vào “cứu” nhân vật. Điều này cho thấy sự căng thẳng của sự việc. Nhưng rồi chính Di đã đứng lên được để quyết định tương lai. Có thể thấy Di hay Vang và gia đình đôi bên đều cảm thấy khó xử trong câu chuyện của họ. Trong nhãn quan của xã hội hiện đại, phong tục kéo vợ không còn phù hợp vì đi ngược với luật hôn nhân. Ngoài việc chưa đủ tuổi của hai nhân vật chính, việc lôi kéo đối phương về nhà mình khi họ chưa đồng tình cũng có dấu hiệu phạm luật.
Nhưng trên thực tế có thể thấy sự ứng xử khá mềm dẻo của cộng đồng trước phong tục này. Tất cả chỉ là vận động, chứ không có ép buộc. Gia đình hai bên cũng hoàn toàn tôn trọng ý nguyện của đôi trẻ và không coi đây là trò bốc đồng. Với họ phong tục này rõ ràng có tính thiêng. Như đạo diễn nhận định ở đầu phim: Người Mông luôn giữ gìn nghiêm ngặt những truyền thống tổ tiên truyền lại.
Hình như phim cũng có ý lãng mạn hóa truyền thống này. Bởi khi mẹ của Di bị bố Di kéo đi, người yêu của bà đã tự tử. Chị gái Di cũng phải chấp nhận lấy người kéo mình đi khi mới 15 tuổi, có hai con ở tuổi 18. Có vẻ như càng về sau, người Mông càng có xu hướng ngả theo đời sống mới dù vẫn giữ truyền thống. Sự biến chuyển dần dần này có được thông qua những thiếu nữ như Di, ngày càng ý thức hơn về quyền của mình.
Và những bộ phim như Những đứa trẻ trong sương cũng góp phần đáng kể vào sự biến đổi phong tục này. Xét cho cùng, ống kính dù sao cũng không thể đóng vai trò thuần quan sát. Khi bạn đưa thực tế lên màn ảnh tức là bạn đã góp phần thay đổi nó.
Tất nhiên vượt lên trên một phong tục gây tranh cãi, điều quan trọng là phim đầu tay của Hà Lệ Diễm hé lộ cho chúng ta vẻ đẹp của cuộc sống. Và hình như khi ít bị che lấp bởi vỏ bọc vật chất, vẻ đẹp đó hiện lên càng rực rỡ. Cảnh những đứa trẻ diễn trò bắt vợ, cảnh mẹ con “khắc khẩu” hay cô giáo dạy học sinh về ma túy... đều hết sức sống động.
Còn về cảnh quan thì khỏi nói rồi, Sa Pa hiện lên trong phim với vẻ đẹp nguyên thủy đầy sức sống. Hy vọng phim không khiến khán giả đổ xô đến bản của Di để du lịch…
Có thể phim sẽ tiến sâu vào đề cử Oscar hơn nếu nêu vấn đề theo kiểu gai góc hơn, nhưng nói chung những gì mà Hà Lệ Diễm chiêu đãi khán giả cũng đã đủ để cho thấy một tài năng và một sự tận tụy với vẻ đẹp đời thường của cuộc sống đã được ghi nhận bởi 34 giải thưởng quốc tế.