Dịp lễ 30/4 và 1/5 ở cửa ngõ Thủ đô: Đường ùn tắc, bến xe vỡ trận

Tình trạng lộn xộn và nhiều người không mua được vé xe tại bến Giáp Bát sáng 30/4. Ảnh: B.An.
Tình trạng lộn xộn và nhiều người không mua được vé xe tại bến Giáp Bát sáng 30/4. Ảnh: B.An.
TP - Cửa ngõ Thủ đô tê liệt, cao tốc ùn tắc cả chục kilômét và bến xe mất khả năng đón nhận khách… là thực trạng đi lại trong mấy ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.

Đường trên cao Vành đai 3 và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình lâu nay được xem là “đường thoát” cho tất cả phương tiện ô tô khi ra vào Hà Nội. Tuy nhiên những ngày nghỉ lễ 30/4 vừa qua, tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh ùn tắc với người tham gia giao thông tại đây. 

Do phải đi làm sớm và cũng để tránh tình trạng ùn tắc có thể xảy ra khi tất cả phương tiện cùng đổ về Hà Nội trong ngày cuối cùng dịp nghỉ lễ là 3/5, từ chiều 2/5 nhiều chủ phương tiện đã chủ động trở lại Thủ đô. Tuy nhiên, giao thông vẫn ùn tắc kéo dài trên hai tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Pháp Vân - Cầu Giẽ. 

Từ Ninh Bình đi về nút Pháp Vân (Hà Nội) với hơn 80 km, bình thường chỉ chạy hết 1 giờ, nhưng ngày hôm qua và chiều 2/5 hầu hết các chủ phương tiện ô tô phải đi hết 3 đến 5 giờ đồng hồ. Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng phương tiện đông, tất cả các trạm thu phí trên hai tuyến đường này vẫn hoạt động hết công suất. Riêng chiều 2/5, lượng phương tiện đổ về Hà Nội chưa cao, nhưng ùn tắc trên hai tuyến cao tốc trên vẫn xảy ra do các dòng phương tiện phải dừng lại để lấy vé, trả tiền ở ít nhất 3 trạm thu phí. 

Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã có công điện yêu cầu các trạm ngừng thu phí khi có hiện tượng ùn tắc kéo dài hơn 1 km, nhưng ngày 2/5 hai tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn thu phí bình thường.

Trước đó, do đường trên cao Vành đai 3 và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị ùn tắc kéo dài, sáng 30/4 Phòng CSGT, Công an Hà Nội đã dùng xe công vụ làm hàng rào ngăn phương tiện chạy lên đường trên cao để ra cao tốc từ nút Thanh Xuân. Thời điểm này, các phương tiện ô tô, xe máy muốn đi hướng Hà Nam, Nam Định được các Đội CSGT số 7, số 14 hướng dẫn về Hà Đông - Văn Điển hoặc Linh Đàm - Ngọc Hồi để đi ra QL1A cũ.

Tại khu vực nội đô, trong các ngày 29 - 30/4 và 2/5 nhiều tuyến đường cửa ngõ giao thông cũng xảy ra tình trạng ùn tắc do mật độ phương tiện tăng cao.

Dịp lễ 30/4 và 1/5 ở cửa ngõ Thủ đô: Đường ùn tắc, bến xe vỡ trận ảnh 1

Ùn tắc kéo dài nhưng chiều 2/5 cao tốc từ Ninh Bình đến Pháp Vân vẫn thu phí. Ảnh: P.Cầm.

Ra 3 bến không bắt được xe khách

Trong các ngày 29-30/4 tình trạng quá tải tại các bến xe đã diễn ra do có hàng vạn lượt hành khách đổ về. Mặc dù, các bến xe thông báo, họ được Công ty chủ quản tăng cường cho 700 lượt xe để giải tỏa hành khách trong dịp này nhưng theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, lượng xe tăng cường trên không thấm vào đâu so với nhu cầu đi lại của hành khách. 

Tại bến Giáp Bát trong các ngày 29-30/4 tình trạng hàng nghìn hành khách đứng quây kín các phòng bán vé và khu vực chờ xe diễn ra từ sáng đến tối. Chỉ những hành khách là con trai to khỏe thì mới mua được vé, còn những hành khách là phụ nữ, bế theo con nhỏ chỉ biết đứng nhìn. 

Với Bến xe Mỹ Đình, lượng người mua vé có trật tự hơn khi được xếp theo hàng lối. Sáng 30/4 dòng người xếp hàng kéo dài ra gần cổng bến xe. Thậm chí, sau nhiều giờ dưới nắng nóng, nhiều người khi đến lượt lại bị báo hết vé. 

Anh Nguyễn Quang Cảnh, một hành khách ra bến Mỹ Đình từ 6h để bắt xe khách về Thanh Hóa trong ngày 30/4 cho biết: Sau khi xếp hàng mà không mua được vé, đến 9h anh đã bắt xe ôm ra bến Giáp Bát để tìm xe về, tuy nhiên trước thực trạng lộn xộn tại điểm bán vé và nhiều hành khách cũng đợi lâu nhưng không được lên xe, anh Cảnh lại tiếp tục bắt xe ôm ra bến Nước Ngầm với mong muốn bắt được xe Vinh chạy qua Thanh Hóa nhưng vẫn không được đành phải đi taxi.

Các chuyên gia giao thông đánh giá, dịp 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách có nhu cầu đi lại tại các bến xe tăng gấp hàng chục lần so với ngày thường. Hàng nghìn hành khách ra bến không mua được vé. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác dự báo để bố trí xe tăng cường của cơ quan quản lý, điều hành chưa tốt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các bến xe “vỡ trận”  do để mất vai trò đón trả, điều tiết khách những ngày qua.

MỚI - NÓNG