Điều kiện tiên quyết khi Việt Nam tái khởi động điện hạt nhân
Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp lần này việc Nhà nước độc quyền đầu tư dự án điện hạt nhân. Thường trực Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu lại dự án điện hạt nhân sau gần chục năm tạm dừng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, người từng tham gia lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 - cho rằng việc khởi động lại dự án vào thời điểm này rất hợp lý.
Việt Nam đặt mục tiêu khởi động dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận vào năm 2010 nhưng dừng lại năm 2016, chủ yếu là do vấn đề tài chính. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác, cả thế giới đang trong vòng quay giải quyết vấn đề carbon, điện sạch, do đó nhiều quốc gia đang quay lại phát triển điện hạt nhân và xem đây là xu hướng để đảm bảo cung cấp nguồn điện sạch, tin cậy và ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Việt Nam đặt mục tiêu net zero vào năm 2050 và hiện có vị thế, tiềm lực tốt hơn, có thể chủ động được nguồn lực và có nhiều phương án để huy động vốn nếu chúng ta quyết tâm làm.
Theo chuyên gia, cần sớm tái khởi động chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân để đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Trong Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. |
Theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân là lĩnh vực khó và đa ngành, đòi hỏi trình độ khoa học, kỹ thuật cao. Từ khâu thiết kế đến kỹ thuật, công nghệ, hay xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa công trình vào kết nối, vận hành, và cả nhiệm vụ xây dựng hạ tầng pháp quy hạt nhân đều cần những chuyên gia xuất sắc. Việc nghiên cứu để nắm rõ công nghệ, an toàn hạt nhân cũng là những nhiệm vụ khó đòi hỏi thời gian dài mới có năng lực tốt và chuyên gia giỏi.
Việt Nam hiện thiếu nhân sự trong lĩnh vực này nhưng không phải không có gì. Trước đây, Chính phủ đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân bằng cách đào tạo tại các trường đại học trong nước, hoặc gửi ra các nước tiên tiến.
'Tôi thấy rất khó tin khi mang tiền cho người khác tiêu'
Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Điểm đáng chú ý trong 1 luật sửa 7 luật này được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận liên quan đến việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Dự thảo luật quy định, chỉ những nhà đầu tư tổ chức mới được "mua", chứ nhà đầu tư cá nhân không được "mua". Theo ĐBQH, quy định này cho thấy, các doanh nghiệp muốn phát hành được trái phiếu riêng lẻ phải có xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm.
Như vậy, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động tiền phải có trách nhiệm. Quy định này khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, hạn chế rủi ro, manh mún.
ĐBQH Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho rằng thị trường trái phiếu của Việt Nam phát triển không đúng theo quy định thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vừa qua, nhiều vụ án xảy ra là do kẽ hở của pháp luật.
ĐBQH Lê Quân (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH. |
Theo ông Quân, việc sửa luật sẽ quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này, giảm rủi ro hơn cho nhà đầu tư, nhất là người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu am hiểu, thiếu chuyên nghiệp.
"Sau mấy vụ việc vừa qua, tôi thấy rất khó tin khi mang tiền cho người khác tiêu. Trong bối cảnh không có sự minh bạch và có thể kiểm soát được thì chúng ta thấy rủi ro. Khi doanh nghiệp có vấn đề về tài chính, người đầu tư trái phiếu là đối tượng ưu tiên sau trong nghĩa vụ trả nợ, vì đối tượng ưu tiên đầu tiên là khách hàng, người lao động, các đối tác vay mượn, sau đó mới đến người sở hữu trái phiếu và cổ đông", ĐBQH Lê Quân cho hay và đề nghị luật cần gắn trách nhiệm của đơn vị kiểm toán, gắn trách nhiệm của hành vi "thao túng" thị trường trái phiếu.
Chủ đầu tư dự án tai tiếng ‘xin’ Trung ương 220 tỷ đồng
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk) - chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, vừa có báo cáo về tình hình thực hiện dự án cho Bộ Giao thông vận tải (cấp quyết định đầu tư).
Theo chủ đầu tư, tổng số vốn đã bố trí cho dự án hơn 1.247 tỷ đồng (tổng vốn 1.841 tỷ đồng). Luỹ kế giá trị giải ngân đến ngày 23/9 đạt 96%.
Đối với vốn năm nay, dự án được bố trí hơn 145 tỷ đồng (bao gồm vốn giải phóng mặt bằng và xây lắp) và đến nay đã giải ngân hết. Trong khi hiện nay còn lại 1 phương án đã phê duyệt với số tiền gần 19 tỷ đồng nhưng không có nguồn kinh phí để giải ngân, chi trả tiền bồi thường hỗ trợ.
Dự án nhiều lần chậm tiến độ. |
Chủ đầu tư lo lắng trong thời gian tới nếu không kịp thời chi trả sẽ phát sinh thêm kinh phí do việc chậm chi trả tiền bồi thường hỗ trợ được quy định tại Luật Đất đai 2024. Đặc biệt việc chậm chi trả sẽ tạo dư luận không tốt, gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Vốn xây lắp năm nay với hơn 20 tỷ đồng cũng đã giải ngân 100%. Một số đơn vị đã thi công với giá trị thực hiện lớn nhưng không có nguồn kinh phí để nghiệm thu thanh toán.
Để đảm bảo tiến độ dự án, chủ đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét, chấp thuận điều chỉnh bổ sung nguồn vốn (tăng 220 tỷ đồng) ngân sách trung ương năm 2024.
Mỗi ga tàu tốc độ cao Bắc - Nam đều 'đính kèm' khu đô thị
Chiều 29/10, tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là cần thiết để Việt Nam có bước đột phá về hạ tầng, tạo tác động tích cực và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo ông Phương, trong lịch sử đầu tư công của nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Nếu số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong định hướng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mỗi ga tàu đều có khu đô thị đính kèm. |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện dự án đang ở giai đoạn đánh giá tiền khả thi. Công trình này có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực.
Theo đó, công trình sẽ tác động đến ngành xây dựng trong cơ cấu GDP, bởi đây là công trình xây lắp. Các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình này như ngành cung cấp vật liệu cho xây dựng công trình, kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu đặc chủng như sắt, thép để làm đường ray hoặc các công trình khác.
Các ngành dịch vụ cung cấp cho công trình này như tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn cũng chịu tác động.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nhấn mạnh tác động lan tỏa đến phát triển đô thị. "Tuyến đường mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam, trong định hướng phát triển tuyến đường sắt này, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm. Đây cũng là một động lực cho phát triển. Trong tương lai chúng ta xác định phát triển đô thị là một động lực thì đây là một động lực tốt để phát triển kinh tế - xã hội" - ông Phương nói.
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng: Mổ xẻ lỗi 'rùa bò' của Nghệ An, Thanh Hóa
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được phê duyệt từ năm 2009 nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng thêm 1.808 tỷ đồng lên tổng nguồn vốn 5.552 tỷ đồng. Nhưng công trình thi công đã kéo dài 15 năm mà chưa thể đi vào vận hành gây hệ lụy lớn cho người dân địa phương cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.
Bộ NN&PTNT cho biết, phần việc thuộc hợp phần xây dựng của dự án đến nay đã thực hiện đạt trên 95%, phần công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng (do hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa phụ trách) còn khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn.
Công trình Hồ chứa nước Bản Mồng có sức chứa 225 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hơn 18.800 ha đất nông nghiệp. |
Theo kết quả đánh giá tiến độ thực hiện Bộ NN&PTNT nhận được, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn một số công việc chậm tiến độ so với kế hoạch Ban 4 chỉ đạo thực hiện dự án đề ra. Trong đó, về công tác điều chỉnh dự án được yêu cầu hoàn thiện trước 30/10 nhưng đến nay Sở NN&PTNT mới có tờ trình của UBND tỉnh, thiếu nội dung điều chỉnh thiết kế kênh Châu Bình.
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác cắm tim mốc bổ sung và đo giải viền lòng hồ cao trình đã bị chậm khoảng 1 tháng. UBND tỉnh cũng chưa có văn bản của về việc chặn dòng, chưa bổ sung chỉ tiêu đất thủy lợi để thực hiện giai đoạn 2 của dự án…
Hiện tiến độ giải ngân vốn tại Nghệ An vẫn ở mức 0/100 tỷ đồng, điều này cho thấy công việc chưa được triển khai nhiều tại thực địa.
Đối với địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều công việc đã cơ bản đáp ứng tiến độ như: Xong phần đo đạc kiểm kê, giải ngân đạt 184/230 tỷ kế hoạch năm 2024; các nội dung về vướng mắc gần như được xử lý, đặc biệt đã bổ sung đủ chỉ tiêu đất thủy lợi. Tuy nhiên, về hạng mục xây dựng khu tái định cư tiến độ rất chậm, công tác tận thu lâm sản chưa thực hiện, chưa có văn bản của UBND tỉnh về việc chặn dòng.
Hải Phòng 'tiêu' được bao nhiêu tiền Thủ tướng giao?
Thông tin từ UBND TP Hải Phòng, trong 10 tháng năm nay, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng khá so cùng kỳ 2023.
Trong 10 tháng, tổng thu ngân sách đạt gần 96.200 tỷ đồng (tăng 29%), trong đó thu nội địa đạt gần 41.500 tỷ đồng (tăng 59%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 53.600 tỷ đồng (tăng 14%) so với cùng kỳ 2023.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14%, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 145 triệu tấn (tăng hơn 10%), lượng khách du lịch đạt hơn 7,8 triệu lượt (tăng 14%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,8 tỷ USD (giảm gần 41%).
Nhiều dự án giao thông, dự án sử dụng vốn đầu tư công tại Hải Phòng đang được gấp rút thực hiện. |
Theo UBND TP. Hải Phòng, tính đến ngày 20/10 vốn đầu tư công được giải ngân đạt hơn 9.400 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019 tỷ đồng).
Hải Phòng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm; phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư bến số 3 đến bến số 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; phối hợp với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách số 2, dự án mở rộng sân đỗ máy bay (giai đoạn 2) và xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.